Khía cạnh pháp lý xung quanh vụ “thùng tiền triệu đô”

15:18, 18/11/2007

“Trước khi ký Hợp đồng vận chuyển, các tổ chức tín dụng cũng cần chú ý đặc biệt đến các điều khoản về bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, cũng cần phải mua bảo hiểm cho hàng hóa vì hiện nay có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhận bảo hiểm cho loại “hàng hóa đặc biệt” này”, chuyên gia luật Phạm Thanh Bình nêu ý kiến sau vụ “thùng tiền triệu đô” suýt mất.


 
Thắng (áo đen), kẻẩc gan trộm "thùng tiền triệu đô" và Luyện (áo trắng) đồng nghiệp của Thắng, người vừa bị khởi tố vì hành vi đánh bạc.
Vụ Lương Quang Thắng, nhân viên Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài, Sóc Sơn, trộm cắp thùng hàng đựng gần một triệu USD của Techcombank tại sân bay Nội Bài đã được Cơ quan điều tra khám phá. Bên cạnh thái độ khâm phục việc phá án nhanh, gọn và chính xác của Công an TP Hà Nội, nhiều độc giả cũng đã tỏ ra bất ngờ trước việc Techcombank cho vận chuyển một số lượng lớn tiền mặt qua đường hàng không. CAND o­nline đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Phạm Thanh Bình (Văn phòng Luật sư Hồng Hà, Hà Nội) về một số nội dung pháp lý liên quan đến vụ án này.

- Thưa Thạc sỹ Phạm Thanh Bình, việc vận chuyển ngoại tệ của Techcombank ra nước ngoài qua đường hàng không có hợp pháp không? Luật sư có thể giải thích cho độc giả CAND o­nline thêm về quy định đối với việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài?

Thạc sỹ Phạm Thanh Bình: Trong ngành Ngân hàng, việc vận chuyển tiền mặt nói chung và ngoại tệ nói riêng là một hoạt động nghiệp vụ bình thường. Các tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng) được hoạt động ngoại hối và cung ứng dịch vụ ngoại hối cũng được phép điều chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ cho các hoạt động của mình.

Thạc sĩ Phạm Thanh Bình từng công tác tại TAND tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông nghiên cứu chuyên sâu về luật hình sự cũng như pháp luật kinh tế đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cũng theo quy định của ngành Ngân hàng thì ngoại tệ là một trong những loại “hàng đặc biệt” được vận chuyển theo một quy trình nghiêm ngặt. Việc tổ chức vận chuyển hàng đặc biệt phải tuân theo quy trình: bắt đầu từ khi nhận, đóng gói niêm phong tài sản và phương tiện bảo quản; bốc xếp lên phương tiện vận chuyển; vận chuyển trên đường, đến địa điểm nhận; giao hàng và hoàn thành đầy đủ các thủ tục giao nhận mới kết thúc.

Vì vậy, theo quy định tại chương V Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quí, giấy tờ có giá (ban hành theo Quyết định số  60/2006/QĐ-NHHN ngày 27/12/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thì việc vận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (do Ngân hàng Nhà nước thực hiện) phải có lệnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ở các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quy định thủ tục và thẩm quyền cấp lệnh vận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, lệnh điều chuyển tiền mặt giữa các chi nhánh và quy định việc vận chuyển hàng đặc biệt của hệ thống.

Về phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt, bản Chế độ nói trên cũng quy định phải sử dụng xe chuyên dùng hoặc phương tiện vận chuyển chuyên dùng. Trường hợp sử dụng phương tiện khác do Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng quyết định và quy định quy trình vận chuyển, bảo vệ, các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản. Trường hợp đột xuất hoặc khối lượng vận chuyển và giá trị tài sản lớn, vận chuyển đường dài, phải thuê phương tiện khác như: máy bay, tàu hoả, tàu biển do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định (đối với tài sản của Ngân hàng Nhà nước) hoặc do Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng quyết định (đối với tài sản của tổ chức tín dụng).

Như vậy, việc Techcombank vận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài qua đường hàng không để phục vụ cho các hoạt động của mình là một hoạt động bình thường, được pháp luật cho phép. 

- Là người công tác lâu năm trong ngành ngân hàng, ông có thể cho độc giả CAND o­nline biết, việc chuyển ngoại tệ ra ngân hàng nước ngoài của các ngân hàng Việt Nam được thực hiện (trên thực tế) ra sao?

Thạc sỹ Phạm Thanh Bình: Trên thực tế, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của các tổ chức tín dụng  Việt Nam để phục vụ cho các hoạt động của mình vẫn được thực hiện qua đường hàng không để bảo đảm yếu tố nhanh chóng, bí mật và an toàn.

Khi chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, nói chung các tổ chức tín dụng đều thực hiện nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước ban hành theo Quyết định số 60/2006/QĐ-NHHN ngày 27/12/2006 nói trên, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức vận chuyển đường hàng không nên hoạt động này cho đến nay vẫn khá suôn sẻ.

- Qua vụ trộm thùng hàng đặc biệt của Techcombank chiều ngày 12/11/2007, có thể rút ra những kinh nghiệm gì?

Thạc sỹ Phạm Thanh Bình: Chúng tôi không có nhiều thông tin chi tiết về vụ việc này nhưng qua những thông tin do báo chí phản ánh thì có thể thấy khâu giao nhận của Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa (CPDVHH) Nội Bài còn có sơ hở để Lương Quang Thắng có điều kiện lấy lô hàng đã đóng gói bỏ vào một vỏ thùng các-tông khác và để lẫn vào những hộp các-tông trong kho, chờ cơ hội chuyển ra ngoài.

Ngoài ra, cũng cần phải xem xét đến việc rò rỉ thông tin đối với việc vận chuyển kiện hàng đặc biệt này vì theo quy định tại Điều 48 Chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quí, giấy tờ có giá ban hành theo Quyết định số 60/2006/QĐ-NHHN  ngày 27/12/2006 nói trên thì hàng đặc biệt khi vận chuyển phải được đóng gói, niêm phong.

Những người tổ chức và tham gia vận chuyển hàng đặc biệt phải tuyệt đối giữ bí mật các thông tin về thời gian, hành trình, loại hàng, khối lượng, giá trị, phương tiện vận chuyển, phương tiện bảo quản tài sản theo quy định bảo đảm bí mật Nhà nước...

Trong vụ án vừa xảy ra thì rõ ràng Lương Quang Thắng đã biết thông tin về kiện hàng nên mới tìm cách chiếm đoạt.

- Theo thông tin trên báo chí, một lãnh đạo Công ty cổ phần dịch vụ hàng hoá Nội Bài trả lời rằng: Thùng hàng khi gửi đi chỉ chú thích là “bank note” nên thực hiện theo quy trình hàng “VAL” (quý hiếm) và nếu thùng hàng bị mất thì chỉ được bồi thường tối đa là 20 USD. Giải thích như vậy có chuẩn xác trong trường hợp này (chuyển ngoại tệ ra nước ngoài qua đường hàng không) hay không?

Thạc sỹ Phạm Thanh Bình: Chúng tôi không bình luận về các quy định của Công ty CPDVHH Nội Bài đối với hàng hóa nhận vận chuyển nhưng việc chỉ bồi thường tối đa là 20 USD dù thùng hàng có gần một triệu Đô la Mỹ bị mất thì không ổn.

Hợp đồng vận chuyển là một hợp đồng dân sự, trong đó các bên phải thống nhất với nhau về phương thức vận chuyển, giá cước, trách nhiệm bồi thường thiệt hại… Trong trường hợp thấy Hợp đồng vận chuyển có những điều khoản mang tính áp đặt, chỉ có lợi cho bên vận chuyển thì bên thuê vận chuyển có quyền yêu cầu bên vận chuyển sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nếu các tổ chức tín dụng không có sự xem xét, cân nhắc thận trọng trước khi ký Hợp đồng vận chuyển mà chấp nhận các điều kiện của bên vận chuyển đưa ra thì khi xảy ra mất mát, khó có cơ sở để đòi bồi thường toàn bộ giá trị thùng hàng đặc biệt.

Giả sử kiện hàng (thùng cactông chứa gần 1 triệu USD) của Techcombank bị mất và chỉ được đền bù tối đa 400 USD (thùng này nặng hơn 20kg) thì thiệt hại sẽ tất nhiên sẽ thuộc về Techcombank, nếu hợp đồng vận chuyển ghi rõ việc bồi thường theo trọng lượng (chứ không theo giá trị lô hàng).

- Để việc chuyển tiền ra nước ngoài không còn gặp những sự cố hy hữu như thế này (mất lượng tiền lớn nhưng chỉ được bồi thường theo giá hành lý cân…) thì theo ông, cần có những quy định gì?

Thạc sỹ Phạm Thanh Bình: Để việc chuyển tiền ra nước ngoài được an toàn, không bị mất mát hoặc khi gặp những sự cố ngoài ý muốn, mất lượng tiền lớn nhưng chỉ được bồi thường theo giá hành lý cân…, theo tôi thì trước hết các tổ chức tín dụng  cần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Ngân hàng Nhà nước về  chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quí, giấy tờ có giá ban hành theo Quyết định số 60/2006/QĐ-NHHN ngày 27/12/2006.

Ngoài ra, trước khi ký Hợp đồng vận chuyển, các tổ chức tín dụng  cũng cần chú ý các điều khoản phía vận chuyển đưa ra, đặc biệt là các điều khoản về bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, cũng cần phải mua bảo hiểm cho hàng hóa vì hiện nay có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhận bảo hiểm cho loại “hàng hóa đặc biệt” này.

Về mặt vĩ mô, Nhà nước cần ban hành những quy định cụ thể về trách nhiệm của bên vận chuyển đối với các kiện hàng đặc biệt; xóa bỏ ngay các quy định bất hợp lý (kiểu như quy định chỉ bồi thường theo giá cân hành lý cho lượng tiền lớn bị thất thoát…) vì các kiện hàng đặc biệt này đều thuộc diện phải khai báo và vận chuyển theo những quy trình đặc biệt, không thể đánh đồng với những hàng hóa bình thường khác.

Chỉ có như vậy, hoạt động vận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của các tổ chức tín dụng mới thực sự được an toàn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia việc vận chuyển

-  Xin cảm ơn Thạc sỹ Phạm Thanh Bình


Công an nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thông tin thêm về vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Xín Mần
(HGĐT)- Như tin đã đưa, 9 giờ sáng ngày 30.10, tại km 1+100 đường Cốc Pài – Nà Trì xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết tại chỗ và 7 người bị thương nặng. Thông tin chúng tôi mới nhận được, đến 12 giờ trưa 31.10 có thêm 2 người chết, nâng tổng số người chết lên 6 người.
31/10/2007
Băng "đạo chích nhí" phá hoại công trình an ninh quốc gia
Cứ ăn chơi đến khoảng 20h tối, nhóm 7 thanh thiếu niên này lại lên đường đi tìm các hầm cáp để cắt rồi mang đi bán lấy tiền tiêu xài. Nhóm 7 đạo chích nhí này đã 32 lần ra tay, "viếng thăm" tất cả là 5 tỉnh.
30/10/2007
Tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Xín Mần
(HGĐT)- Hồi 10 giờ 30 phút, ngày 30.10, tại km số 2 đường Xín Mần đi Nà Trì (thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang), xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc: Xe ô tô tải biển kiểm soát 22L0529 chở tấm lợp, do lái xe Nguyễn Thọ Hiếu, sinh năm 1980, quê Bắc Giang, điều khiển; trên xe chở 10 người, bị lao xuống vực sâu khoảng hơn 30 m, làm chết tại chỗ 4 người, bị thương nặng 7
30/10/2007
Khám phá đường dây tiêu thụ tân dược gây nghiện ở Thái Nguyên
Công an Thái Nguyên vừa phá đường dây tiêu thụ tân dược gây nghiện do Vũ Thị Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần dược Thi Thủy cùng chồng là một cán bộ y tế dự phòng tỉnh, điều hành.
29/10/2007
Bán thùng rác mini có nắp