"Tự xử" kẻ tình nghi trộm trâu
Chấu Lao Vư. |
Chúng tôi gặp Vư ở Trại tạm giam, Công an huyện Mường Khương, sau hơn hai ngày anh ta bị bắt giữ. Trước câu hỏi của tôi, Vư trả lời bằng giọng rất hối lỗi: "Vào đây tao biết tao sai rồi, cán bộ bảo Công an tỉnh thả cho tao về". Những câu nói tiếng Kinh lơ lớ, không rõ nghĩa khiến chúng tôi cũng đồng cảm với sự thiếu hiểu biết của Vư.
Vụ án bắt nguồn từ việc gia đình Vư bị mất trộm trâu. Vì tiếc của, Vư đã bí mật sang Trung Quốc để điều tra và nghi vấn cho 3 đối tượng là Chấu Seo Tỏa, 53 tuổi, trú tại xã Pha Long; Sùng Seo Phừ, 28 tuổi, trú tại xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương và Thào Seo Quáng, trú tại huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, là người đã lấy trộm gia tài của Vư.
Với "điều tra của riêng mình", Vư đã viết đơn tố cáo 3 người có liên quan gửi đến Ban Công an xã Tả Ngải Chồ. Khi vụ việc đang được các cơ quan chức năng giải quyết, thì trong lúc tức giận không làm chủ được bản thân mình, Vư đã gọi anh em cùng thôn đến bắt trói Tỏa cùng Phừ đưa về nhà của Vư. Vư trói Tỏa cùng Phừ sau đó lấy sắt nung nóng, áp vào hai bên mặt của Tỏa và Phừ để tra tấn và đánh đập.
Khi lực lượng của Công an xã, Công an huyện và Đồn Biên phòng Pha Long, huyện Mường Khương nhận được tin báo thì hai người bị bắt giữ đã bị thương tích nặng. Song bất chấp sự thuyết phục của lực lượng Công an xã, Vư vẫn không chấp thuận việc thả Tỏa và Phừ, đồng thời còn gọi thêm một số người thân quen đến ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Không những thế, Vư còn đưa ra yêu sách bắt gia đình Tỏa và Phừ phải bồi thường cho bọn chúng 13 triệu đồng... Việc đền bù được gia đình Tỏa và Phừ đáp ứng nhưng Vư vẫn tiếp tục giữ người cho đến khi Công an huyện tăng cường lực lượng cùng Đồn Biên phòng Pha Long, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mường Khương và UBND xã Tả Ngải Chồ, dùng các biện pháp răn đe, giáo dục, cảm hoá. Song lúc này, cả Tỏa và Phừ đã bị thương tích rất nặng...
Đó chỉ là một trong những vụ án xảy ra tại địa bàn vùng cao Mường Khương trong thời gian qua, mà nguyên nhân là do nhận thức kém của một số bà con. Có nhiều vụ việc, chỉ cần nghi ngờ ai đó, họ cũng dùng việc bắt giữ người để giải quyết các nghi vấn của mình.
Điển hình trong số đó là vụ việc xảy ra tại xã Pha Long, huyện Mường Khương. Sùng Seo Sài cùng với Châu Seo Toả và một số người trong bản rủ nhau đi bắt cá trên sông Chảy. Không hiểu vì lý do gì, Sài đã bị mất tích. Những cuộc tìm kiếm được tiến hành nhưng bà con trong bản không ai phát hiện được Sài hiện đang ở đâu.
Vì thương tiếc con, gia đình Sài nghĩ rằng Tỏa và đồng bọn làm cho con của họ bị chết nên tổ chức 30 người xuống bắt Tỏa mang về xã Pha Long để giải quyết. Phải đến 1h sáng hôm sau, khi lực lượng Công an huyện Mường Khương có mặt, người bị bắt giữ mới được giải thoát.
Trung tá, Phó Trưởng Công an huyện Mường Khương, Đinh Xuân Thắng, người trực tiếp giải quyết những vụ án bắt giữ người trái pháp luật cho biết: Việc giải quyết các vụ việc như trên gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân trước hết do suy nghĩ còn hạn chế của một số người dân, họ hành xử theo kiểu bản năng, bột phát...
Trong những vụ việc như thế, trước hết là những trở ngại về ngôn ngữ, tiếp đó là đến thời gian. Hầu hết các vụ việc đều xảy ra ở các xã vùng cao, khi lực lượng Công an sở tại nắm được thông tin vào đến nơi thì nhiều người bị hại đã rơi vào tình trạng sức khoẻ suy kiệt.
Trong những tình huống như thế, giải pháp tốt nhất chỉ là giáo dục, hòng đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho những người bị bắt giữ. Và muốn làm được điều đó, các lực lượng được giao nhiệm vụ phải khéo léo, bởi phần lớn trong số những người tham gia đều đang trong trạng thái bị kích động mạnh, chỉ cần xử sự hơi nóng vội cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trung tá Thắng cũng cho biết, việc khởi tố những vụ án như thế này rất khó khăn, có khi phải thỉnh thị qua nhiều cấp, mất rất nhiều thời gian mới có thể thực hiện được. Hoặc có những sự việc phải giải quyết theo góc độ gia đình, tức là giải quyết cho về.
Mới đây nhất, vụ chiếm đoạt tài sản xảy ra tại xã Cao Sơn, huyện Mường Khương là một ví dụ điển hình. Thào Páo có 2 con gái đã bị lừa bán sang Trung Quốc.
Páo đến nhà chị Tung Pin Phấn với mục đích bắt đền, vì chồng của chị này đã dẫn con gái của Páo đi. Trong khi người đàn bà thân cô, thế cô ở nhà một mình, Páo cùng 5 anh em đã đến khống chế người bị hại, lấy đi chiếc xe máy mang về nhà... Mặc dù biết hành vi của Páo là sai nhưng chính quyền địa phương chỉ có cách là dàn hoà.
Ở những xã vùng sâu, vùng xa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nghèo nàn, việc tiếp cận với các kiến thức về pháp luật gặp rất nhiều khó khăn. Để hạn chế xảy ra những vụ án tương tự, cách tốt nhất là cán bộ của Sở Tư pháp cần phải tăng cường tuyên truyền, bằng những hình thức đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp thu để người dân hiểu: Cần phải sống và làm việc theo pháp luật
Ý kiến bạn đọc