Nước mắt trong phiên toà xử Mai Văn Dâu
Trong phiên tòa xét xử vụ Mai Văn Dâu và đồng phạm, bên cạnh những khuôn mặt rắn rỏi, cố kiềm chế của các bị cáo là những giọt nước mắt rơi sau vành móng ngựa. Khi thực hiện những hành vi phạm tội, không ai trong số họ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ bị gọi là "bị cáo".
Trong phiên tòa sáng nay, 16/3, khi vừa nghe HĐXX gọi đến, bị cáo Trịnh Thị Hồng Điệp đã bật khóc. Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu vừa hỏi: “Bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo điểm b khoản 2 điều 291 BLHS, bị cáo thấy có đúng không?”, Trịnh Thị Hồng Điệp đã nói không ra lời.
Tuy đọc, viết không rành nhưng vốn có quen biết với Lê Văn Thắng, nghe Phạm Anh Tuấn (cũng là bị cáo trong vụ án này) nhờ đưa một số hồ sơ xin cấp hạn ngạch dệt may cho Thắng để kiếm tiền xài, Trịnh Thị Hồng Điệp đã cất công ra tận Hà Nội, đến phòng làm việc gặp Thắng và đưa hồ sơ trực tiếp.
Xét thấy đây là những “khách hàng lớn”, trong hồ sơ còn thiếu một số giấy tờ, Lê Văn Thắng đã xúc tiến bổ sung giấy tờ để cấp hạn ngạch cho công ty TNHH Hiệp Tường và công ty TNHH Phú Hoa.
Bị cáo Điệp khai mình không rành chữ nghĩa, giọng Thắng lại khó nghe nên cứ giao hết cho Thắng làm. Trước tòa, Trịnh Thị Hồng Điệp nức nở trình bày: “Bị cáo nghe người ta (Phạm Anh Tuấn - PV)) nói nếu không giúp các công ty xin được hạn ngạch, họ sẽ bị phá sản, công nhân thất nghiệp, bị cáo thấy tội nghiệp. Hơn nữa, làm được vụ này, bị cáo cũng có lợi nên đã làm mà không suy nghĩ thiệt hơn. Từ ngày bị tạm giam, gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều, bị cáo ân hận lắm”.
Tòa hỏi: “Bị cáo có thấy oan ức gì không?”, bị cáo Điệp vừa khóc vừa trả lời: “Dạ không. Xin quý tòa tha cho bị cáo lần này, bị cáo hứa sẽ không tái phạm nữa”. Những người có mặt trong phiên tòa đều cười, kể cả cán bộ áp giải tội phạm, nhưng cười xong lại nghe xốn xang trong lòng. Số tiền mà bị cáo Điệp nhận tổng cộng là 12.300 USD.
Đường dây chạy hạn ngạch có sức quyến rũ kinh người, từ cán bộ lãnh đạo cấp cao cho đến người không biết rành chữ nghĩa, ai cũng góp mặt, từ trực tiếp đến gián tiếp, từ vô tình đến cố tình.
Bị cáo Lai Wai Hung ( Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Sundance Clothing VN), bị truy tố về tội đưa hối lộ, cho rằng mình là người nước ngoài, sang Việt
Bị cáo Trần Thu Lan (Phó Giám đốc công ty TNHH May và Thương mại Á Châu) cũng bật khóc tại phiên tòa. Bị cáo Lan đã nhờ Lưu Thị Minh Hiền (cũng là bị cáo trong vụ án này) dẫn đến nhà Lê Văn Thắng để xin cấp hạn ngạch cho công ty Á Châu. Lê Văn Thắng nhận 15.000 USD từ Trần Thu Lan nhưng nói là ở vào thế…bị động, không nhận không được.
Trần Thu Lan khai nếu không “chạy” thì công ty sẽ bị phá sản, 600 công nhân thất nghiệp nên phải cố sức mà lo.
Những người “chạy” vì sự sống còn của công ty đã bị Viện KSND Tối cao truy tố hành vi phạm tội của mình, dù có nhiều lý do dẫn đến hành vi đó. Họ khóc vì sự việc trên đã dẫn đến cảnh tù tội, ảnh hưởng đến gia đình, mang tiếng với bạn bè, người quen…Nhưng những quan chức có “đóng góp” trong việc này cũng khóc.
Khi bị cáo Nguyễn Cương khóc trước tòa, cánh nhà báo tìm mọi cách để có được tấm ảnh “độc”, kể cả leo thành cửa sổ bên ngoài.
Nguyễn Cương (nguyên Phó ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM) khóc vì lẽ gì chẳng ai biết, có lẽ có ẩn tình riêng!?
Trong những ngày xét xử vừa qua, khi giới phóng viên được vào chụp ảnh trước khi phiên tòa bắt đầu, nhiều bị cáo cúi mặt, hoặc lấy tay che mặt tránh ống kính. Bị cáo Mai Thanh Hải vốn “hầm hố” trước đây, nay đi đâu cũng có bạn bè theo cùng, để che chắn ống kính của báo chí.
Khi HĐXX gọi đến bị cáo Mai Văn Dâu, ngồi bên dưới, bà Nguyễn Diên Hồng, vợ bị cáo Dâu liên tục lấy khăn lau nước mắt. Phía trên ông Dâu trả lời đến đâu, bên dưới bà khóc nghẹn ngào đến đó.
Nước mắt của bị cáo Võ Thị Thanh Hằng rơi tức tưởi khi trình bày lý do đưa tiền cho bà Nguyễn Diên Hồng. Số tiền 2 tỷ đồng mà bà Hồng đòi, may (hay không may?), bị cáo Hằng chỉ đưa có 780 triệu (tương đương 50.000 USD). “Chỉ vì muốn có hạn ngạch nên phải chìu theo ý của “người ta”” - bị cáo Hằng chua chát nói.
Phiên tòa vẫn đang tiếp diễn, sẽ còn có nhiều giọt nước mắt rơi. Giá như khi thực hiện những hành vi mà pháp luật quy định là có tội, những người này chịu nghĩ đến hậu quả nếu vụ việc bị phanh phui…
Ý kiến bạn đọc