Nghị định về quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định nghĩa vụ, quyền lợi và chế độ phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điều 2. Quân nhân chuyên nghiệp
Quân nhân chuyên nghiệp là quân nhân có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cần thiết cho công tác chỉ huy, chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, xây dựng quân đội và tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội. Thời hạn phục vụ cụ thể theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Căn cứ trình độ đào tạo về kỹ thuật, nghiệp vụ, quân nhân chuyên nghiệp được chia thành quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp, trung cấp và cao cấp.
Bộ Quốc phòng quy định các chức danh bố trí quân nhân chuyên nghiệp trong tổ chức, biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điều 3. Quản lý quân nhân chuyên nghiệp
Khi quân nhân chuyên nghiệp được giao giữ chức vụ chỉ huy, mọi quân nhân thuộc quyền đều phải phục tùng mệnh lệnh và chịu sự quản lý điều hành của người chỉ huy. Quan hệ quân nhân chuyên nghiệp với quân nhân khác thực hiện theo điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng quy định quản lý đối với quân nhân chuyên nghiệp.
Điều 4. Cấp hiệu, phù hiệu của quân nhân chuyên nghiệp
Quân nhân chuyên nghiệp có cấp hiệu riêng, phù hiệu của quân nhân chuyên nghiệp như phù hiệu của sĩ quan, nền phù hiệu theo mầu sắc của từng quân chủng và Bộ đội Biên phòng, có gắn hình phù hiệu đúng theo quân chủng, binh chủng, ngành nghề chuyên môn.
Điều 5. Quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp
Quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp gồm có:
1. Chuẩn uý quân nhân chuyên nghiệp;
2. Thiếu uý quân nhân chuyên nghiệp;
3. Trung uý quân nhân chuyên nghiệp;
4. Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp;
5. Đại uý quân nhân chuyên nghiệp;
6. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp;
7. Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;
8. Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp.
Điều 6. Đối tượng và điều kiện xét chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp
1. Đối tượng xét chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp:
a) Hạ sĩ quan, binh sĩ hết hạn phục vụ tại ngũ;
b) Công nhân, viên chức quốc phòng;
c) Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
d) Công dân có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ngoài độ tuổi nhập ngũ quy định tại Điều 12 của Luật Nghĩa vụ quân sự.
2. Điều kiện xét chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp:
a) Khi Quân đội nhân dân Việt Nam có nhu cầu;
b) Hạ sĩ quan, binh sĩ hết hạn phục vụ tại ngũ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và tự nguyện;
c) Công nhân, viên chức quốc phòng có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, được huấn luyện quân sự theo quy định của Bộ Quốc phòng và tự nguyện;
d) Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam khi chức vụ đang đảm nhiệm không còn nhu cầu bố trí sĩ quan;
đ) Công dân có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ngoài độ tuổi nhập ngũ quy định tại Điều 12 của Luật Nghĩa vụ quân sự, được động viên vào Quân đội.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc xét chuyển chế độ, đăng ký phục vụ tại ngũ, phong, phiên quân hàm, giáng cấp quân hàm, tước quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp; chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xếp lương, nâng lương và chế độ phụ cấp đặc thù cho quân nhân chuyên nghiệp.
Điều 7. Thời hạn phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của quân nhân chuyên nghiệp là 06 năm hoặc cho đến 50 tuổi, tuỳ theo từng chức danh.
2. Thời hạn phục vụ tại ngũ của từng chức danh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Điều 8. Xuất ngũ của quân nhân chuyên nghiệp
Quân nhân chuyên nghiệp có một trong các điều kiện sau đây thì được xuất ngũ trước thời hạn và xuất ngũ trước độ tuổi phục vụ tại ngũ:
1. Phẩm chất đạo đức và năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
2. Được Hội đồng giám định y khoa quân sự cấp có thẩm quyền kết luận không đủ sức khỏe để công tác.
3. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan quân sự cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xác nhận.
4. Do yêu cầu chấn chỉnh tổ chức, biên chế của Quân đội.
5. Đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Chính phủ.
6. Bộ Quốc phòng quy định, hướng dẫn thực hiện khoản 1, 2 và khoản 4 Điều này.
Điều 9. Nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp
1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
2. Tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, kiên quyết bảo vệ tài sản nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
3. Gương mẫu chấp hành và thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội.
4. Ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và thể lực, không ngừng nâng cao bản lĩnh chiến đấu.
5. Quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ, nếu còn độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị thì chuyển sang phục vụ ở ngạch dự bị, theo các quy định đối với lực lượng dự bị động viên.
Điều 10. Quyền lợi của quân nhân chuyên nghiệp
1. Quân nhân chuyên nghiệp được khuyến khích học tập nâng cao trình độ, phát minh sáng chế, nghiên cứu đề tài khoa học, sáng tác và được đãi ngộ về vật chất, tinh thần theo quy định của Nhà nước; được xếp công việc phù hợp với trình độ của bản thân và yêu cầu nhiệm vụ.
2. Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng lương theo bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ; được nâng lương, được hưởng các khoản phụ cấp khác (nếu có) và được hưởng các chế độ chính sách khác như đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp đặc thù đối với quân nhân chuyên nghiệp theo quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Khi phục vụ tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ phép, nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định chung của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
4. Khi phục vụ tại ngũ, bố, mẹ, vợ, con của quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối với bố, mẹ, vợ, con của sĩ quan tại ngũ.
5. Quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước như đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ.
6. Trong thời gian phục vụ ở ngạch dự bị, quân nhân chuyên nghiệp và gia đình được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên.
Điều 11. Điều khoản thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 238/HĐBT ngày 03 tháng 8 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng về ban hành Điều lệ quân nhân chuyên nghiệp, các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng
Ý kiến bạn đọc