Đăng ký thường trú theo quy định của Luật Cư trú

09:00, 25/01/2007

Việc đăng ký thường trú được quy định tại Chương III Luật Cư trú, từ Điều 18 đến Điều 29. Theo quy định tại Điều 18, đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ.


Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh chỉ đòi hỏi công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư thì ngoài điều kiện có chỗ ở hợp pháp như nói trên, còn phải có thêm một điều kiện khác, đó là đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên (giảm hai năm so với quy định hiện hành) hoặc thuộc một trong những trường hợp sau đây:

Một là, được người có hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình, nếu đó là: vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại.

Hai là, được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản.

Ba là, trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản.         

Về thủ tục đăng ký thường trú, so với các quy định của pháp luật hiện hành, Luật cư trú quy định rõ nơi nộp hồ sơ, những giấy tờ cần thiết để đăng ký thường trú. Theo đó, người đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư thì nộp hồ sơ tại công an huyện, quận, thị xã; người đăng ký thường trú tại tỉnh thì nộp hồ sơ tại công an xã, thị trấn thuộc huyện, công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; giấy chuyển hộ khẩu (theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú); giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc T.Ư phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp nói ở phần trên (Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư).

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ biết.

Đối với trường hợp phức tạp, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời hạn cấp sổ hộ khẩu có thể kéo dài thêm 10 ngày làm việc (tức là 14 ngày, kể cả ngày nghỉ). Nay Luật Cư trú đã bỏ quy định này, do vậy thời hạn đã rút ngắn được nửa thời gian làm thủ tục đăng ký thường trú.         

Một vấn đề khá quan trọng của Luật Cư trú đó là mô hình quản lý cư trú. Trước khi Luật Cư trú được Quốc hội thông qua đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, trong đó không ít ý kiến đề nghị bỏ việc quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay vào đó là Thẻ công dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc giữ mô hình quản lý cư trú bằng việc cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho công dân vẫn cần thiết và Luật đã được thông qua theo hướng này (Điều 24 và Điều 30).

Quản lý cư trú bằng việc cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nhằm góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, còn phục vụ cho các chính sách quan trọng khác của Nhà nước như: thống kê, điều tra dân số; quy hoạch, bố trí dân cư; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đăng ký nghĩa vụ quân sự; thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trả lương hưu cho người về hưu; thực hiện ưu tiên tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đối với một số đối tượng nhất định thuộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đào, vùng dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng trẻ em lang thang; quản lý vốn cho vay, kể cả vốn cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; thi hành một số hình phạt và các biện pháp xử lý hành chính tại địa phương; lập, quản lý hồ sơ địa chính; quản lý người nghiện ma tuý và cơ sở cai nghiện ma tuý.

Mặt khác, trong điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, bộ máy quản lý thiếu về nhân lực và yếu về chất lượng, chưa thể đáp ứng yêu cầu quản lý bằng phương pháp mới, thì vẫn cần phải duy trì quản lý cư trú bằng hình thức cấp sổ hộ khẩu đối với trường hợp đăng ký thường trú, cấp sổ tạm trú đối với trường hợp đăng ký tạm trú.

Việc giữ mô hình quản lý cư trú này với những quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện đơn giản, thuận lợi hơn, cùng với việc chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện sẽ góp phần bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú; đồng thời, vẫn giúp cho công tác quản lý của Nhà nước về cư trú được hiệu quả.


Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngăn chặn 1 vụ vận chuyển pháo qua biên giới
(HGĐT)- Ngày 21.1, Trạm Kiểm soát cửa khẩu, Đồn Biên phòng Thanh Thủy (Vị Xuyên) đã ngăn chặn 1 vụ vận chuyển pháo qua biên giới.
23/01/2007
Phát triển giao thông - vận tải ở huyện Mèo Vạc
Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá của tỉnh, có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Để kinh tế của huyện phát triển ổn định thì hoạt động Giao thông - Vận tải đóng vai trò khá quan trọng, thông qua hoạt động này nhân dân trong huyện có điều kiện giao lưu trao đổi hàng hóa thúc đẩy phát triển KT-XH và giữ vững AN-QP tại địa phương.
23/01/2007
Những giọt nước mắt của "gia đình ma túy" Lê Văn Tình
Những người chứng kiến phiên tòa không khỏi day dứt, xót xa trước cảnh chia lìa của "đại gia đình ma túy" Lê Văn Tình, Vũ Thị Huệ. Trong ngày 21/1, cả 4 người trong gia đình gồm Tình và vợ là Vũ Thị Huệ, em trai Tình, em trai Huệ đều có mặt tại tòa.
23/01/2007
Lời trần tình của nguyên đại biểu QH Mạc Kim Tôn
"Cũng bởi tôi hay phát biểu trước diễn đàn Quốc hội nên nhiều người biết. Mà càng nhiều người biết thì nên cơ sự này tôi càng khổ tâm và tủi thân". Đó là lời tâm sự của bị can Mạc Kim Tôn (nguyên đại biểu Quốc hội, giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Thái Bình) sau những ngày bị bắt.
22/01/2007