Yên Minh đẩy mạnh tuyên truyền dùng hàng Việt Nam
BHG - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cuộc vận động) góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững. Thời gian qua, huyện Yên Minh đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, nhất là tại địa bàn vùng sâu, xa.
Các hợp tác xã trên địa bàn huyện Yên Minh tăng cường giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại. |
Triển khai Chương trình số 10 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Ban Chỉ đạo cuộc vận động huyện Yên Minh được thành lập, có quy chế hoạt động. Huyện ban hành kế hoạch thực hiện, tổ chức học tập, quán triệt và triển khai tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Các giải pháp triển khai tập trung trên các mặt: Tuyên truyền; quản lý Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tiêu thụ sản phẩm; phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; quảng bá, đưa hàng Việt về nông thôn... Trong đó, nhiệm vụ tuyên truyền được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh với nhiều hình thức vận động, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, xa, biên giới. Tăng cường lồng ghép tuyên truyền về nội dung cuộc vận động trên hệ thống loa truyền thanh, các hội nghị, họp thôn, sinh hoạt đoàn viên, hội viên... Qua đó, thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến trong thói quen ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức tuyên truyền trên 220 cuộc, thu hút 8.450 lượt người nghe; các cơ sở sản xuất tham gia ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng...
Người dân thị trấn Yên Minh tin dùng các sản phẩm nông sản địa phương. Ảnh: PHẠM HOAN |
Tích cực triển khai cuộc vận động, công tác quảng bá, dịch vụ đưa hàng Việt về nông thôn được đẩy mạnh thông qua hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, xa. Tổ chức các chương trình bán hàng ưu đãi nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng với hàng Việt Nam chất lượng, hàng đặc trưng của tỉnh, huyện. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị tham gia chương trình quảng bá sản phẩm tại các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại tỉnh; củng cố, mở mới các điểm bán hàng Việt. Phối hợp xúc tiến các sản phẩm vào các trung tâm, siêu thị tại Hà Nội, các điểm bán hàng trên địa bàn... Qua đó, hình hành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gồm: Dược liệu, mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, gạo chất lượng cao, thịt bò khô, chuối Tiêu hồng... Cùng với đó, vậng động các HTX xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, khẳng định chất lượng thông qua thi sản phẩm OCOP; đăng ký, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. Song song với đó, các doanh nghiệp, HTX được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ mặt bằng, chuyển đổi công nghệ sản xuất và đào tạo nhân lực.
Góp phần lan tỏa, đưa hàng Việt, hàng chất lượng đến tay người tiêu dùng, các ngành làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra gần 60 điểm kinh doanh, bán hàng; phát hiện, xử lý 38 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với các cấp chính quyền được duy trì thường xuyên. Các đoàn thể, tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền về nội dung cuộc vận động để người dân nắm rõ chủ trương, tích cực hưởng ứng. Đồng thời, linh hoạt lồng ghép vào các phong trào thi đua như: Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo; xây dựng gia đình hạnh phúc; 5 không, 3 sạch; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi...; đưa nội dung triển khai cuộc vận động vào trong tiêu chí thi đua, đánh giá, xếp loại các danh hiệu của tập thể, cá nhân hàng năm.
Đồng chí Chảo Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Minh cho biết: Với sự vào cuộc của thành viên Ban chỉ đạo, Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội, cuộc vận động được triển khai đồng bộ, có sức lan tỏa, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, các thành phần kinh tế đối với hàng hóa Việt. Triển khai nhiều giải pháp, không chỉ người dân, mà các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã nâng cao trách nhiệm trong xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh, phù hợp. Đến nay, tại các siêu thị, trung tâm thương mại chợ, các điểm kinh doanh, hàng Việt chiếm trên 85%. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; phối hợp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, xa; triển khai tốt chương trình lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cuộc vận động trên địa bàn...
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc