“Đòn bẩy” giúp hộ nghèo, cận nghèo cải thiện đời sống
BHG - Từ nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quản Bạ thực hiện đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở xã hội để thoát nghèo bền vững.
Thời gian qua, việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách huyện Quản Bạ đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, từ việc không dám vay vốn, nay đã mạnh dạn vay vốn và mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quản Bạ, Lại Văn Quảng cho biết: “Tính đến hết tháng 10 năm 2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quản Bạ đạt trên 378 tỷ đồng/6.560 hộ vay vốn, tăng 23 tỷ đồng so với đầu năm. Với sự tăng trưởng này, tiếp tục là “đòn bẩy” kinh tế quan trọng giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách của huyện Quản Bạ có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống”.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quản Bạ thực hiện giải ngân tại xã Thanh Vân. |
Cùng với đó, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác hướng dẫn các Tổ tiết kiệm và vay vốn họp xét, lập hồ sơ đúng quy định và tổ chức giải ngân tại các phiên giao dịch ở xã; phối hợp với các xã thường xuyên củng cố hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn từ khâu họp bình xét cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, đôn đốc thu lãi, tham gia tiền gửi; chủ động xử lý nợ đến hạn, đôn đốc thu hồi các khoản nợ quá hạn. Từ đó, các chương trình tín dụng chính sách còn giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa... góp phần nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân.
Là hộ nghèo của thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân, bà Vàng Seo Dính được NHCSXH huyện cho vay gần 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Bà Dính cho biết: “Từ nguồn vốn vay, nhà tôi đã mạnh dạn đầu tư mua thêm bò, lợn sinh sản để chăn nuôi. Sau một thời gian, từ việc chủ động về nguồn thức ăn cho tới công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn dự trữ cho mùa Đông sắp tới nên đàn bò, lợn của gia đình phát triển rất tốt. Mong rằng sang năm từ nguồn con giống sẽ giúp cho gia đình cải thiện, nâng cao đời sống hơn”.
Gia đình anh Lò Sào Sén, thôn Tùng Vài Phìn, xã Tùng Vài cũng là một trong những hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để cải tạo vườn tạp. Anh Sén tâm sự: “Khi chưa được cán bộ tư vấn cũng nghĩ sẽ rất khó và rất mất thời gian để có thể vay được vốn của ngân hàng. Nhưng sau khi nghe Tổ tư vấn tận tình hướng dẫn, tôi chỉ mất khoảng 5 ngày từ lúc làm hồ sơ đã được Phòng giao dịch NHCSXH huyện giải ngân cho vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tôi cùng với gia đình bắt tay vào việc cải tạo vườn, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất, thời tiết của địa phương và nhu cầu của khách hàng trong xã, huyện để làm. Có vốn rồi, gia đình tôi đã tự tin hơn trong việc phát triển lao động, sản xuất”.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quản Bạ, Lại Văn Quảng cho biết thêm: “Để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, Phòng Giao dịch đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc việc giao dịch tại xã theo lịch cố định. Tại mỗi điểm giao dịch đều có Hộp thư góp ý để người dân đến phản ánh kịp thời những vướng mắc về thủ tục và thái độ của cán bộ tín dụng chính sách. Qua đó, đã giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội đã thường xuyên tăng cường kiểm soát, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn; không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, ngăn ngừa tiêu cực”.
Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tạo “đòn bẩy” để giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc