Nâng tầm giá trị nông sản Quang Bình
BHG - Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Quang Bình đã phát huy nội lực sẵn có để vừa phát triển lĩnh vực “tam nông”, vừa xây dựng thành công chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiêu biểu, đặc trưng, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lúa nếp Lào Mu là giống lúa bản địa được người dân xã Vĩ Thượng gieo trồng từ bao đời nay. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cùng kinh nghiệm chăm sóc của bà con nông dân, gạo có hương thơm rất đặc trưng khác với các loại nếp trong vùng, hạt tròn đều, trắng bóng và thơm dẻo. Cứ đến mỗi vụ thu hoạch hay các dịp lễ, Tết, người Tày trong xã lại mang lúa nếp Lào Mu về làm cốm, chuẩn bị gạo làm chè, làm bánh, đồ xôi để dâng lên tổ tiên và tạ ơn đất trời. Rất nhiều những đoàn khách quý phương xa đã từng thưởng thức các món ẩm thực được chế biến từ hạt gạo nếp Lào Mu đều tấm tắc khen ngon, mua về làm quà biếu người thân, bạn bè. Tiếng lành đồn xa, dần dần gạo nếp Lào Mu đã nổi tiếng và được nhiều người biết đến.
Vùng sản xuất lúa nếp Lào Mu trên cánh đồng dồn điền, đổi thửa thôn Trung Thành, xã Vĩ Thượng |
Để đưa “hạt vàng” đó trở thành sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của địa phương và có cơ hội vươn xa ra thị trường, xã Vĩ Thượng đã liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Thủy trên địa bàn, cùng với nhân dân 3 thôn Hạ, Hạ Quang, Trung Thành sản xuất lúa nếp Lào Mu theo phương châm “5 cùng” trên những cánh đồng dồn diền, đổi thửa. Sau 2 năm thực hiện, diện tích lúa liên kết trong vụ Mùa năm nay tăng lên 40 ha, năng suất ước đạt 58 - 60 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 200 tấn. Với sự nỗ lực của toàn xã, gạo nếp Lào Mu đã được UBND huyện Quang Bình đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2023. Nhờ có tem, mác, xuất xứ rõ ràng, gạo nếp Lào Mu hiện có giá bán đạt 50 nghìn đồng/kg, tăng hơn nhiều so với trước đây.
Theo chia sẻ của ông Phan Việt Thắng, thôn Trung Thành, xã Vĩ Thượng: “Lúa nếp Lào Mu chỉ được canh tác vào vụ Mùa trong năm và là một trong những loại gạo quý không thể thiếu trong mâm cỗ của dân tộc Tày nơi đây. Khi được xã cho chủ trương, định hướng hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa nếp Lào Mu hàng hóa, có sự liên kết của hợp tác xã, người dân rất phấn khởi, đồng tình thực hiện đúng quy trình từ việc dồn điền, đổi thửa, gieo cấy theo thời vụ đến bón phân, chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ ổn định là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống lúa này. Vụ Hè - Thu, nhà tôi gieo cấy lúa 5.000 m2 lúa nếp Lào Mu, lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, thắng lợi”.
Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của xã Yên Thành (Quang Bình). |
Thời gian qua, huyện Quang Bình đã thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản. Một số sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô, sản lượng lớn, thứ hạng cao như: Cam Sành được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”; chè Shan tuyết có diện tích lên đến 3.200 ha, nhiều sản phẩm trà đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi. Toàn huyện có 34 sản phẩm OCOP, gồm có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 31 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2024, có 17 chủ thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký 21 sản phẩm tham gia thi phân hạng OCOP.
Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Với quyết tâm của các cấp, các ngành và tư duy đổi mới, sức sáng tạo của người dân, chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả thiết thực. Có không ít các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng tầm giá trị. Đến nay, các sản phẩm OCOP được công nhận đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, việc thực hiện liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ngày càng chặt chẽ, không dàn trải, không làm theo phong trào. Giữa năm 2024, huyện cũng đã khai trương gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm tiêu biểu, khuyến khích sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển bền vững”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc