Thèn Phàng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

16:31, 13/08/2024

BHG - Để phát triển thương hiệu OCOP gạo tẻ Già Dui Xín Mần, việc mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm luôn được xã Thèn Phàng (Xín Mần) chú trọng thực hiện trong thời gian qua.

Sản phẩm gạo tẻ Già Dui đạt 3 sao OCOP, với đặc điểm nổi bật: Hạt ngắn trung bình, có chấm trắng dưới bụng hạt, khi nấu chín cơm có mùi thơm đặc trưng, độ dẻo cao, ăn sẽ cảm nhận được vị ngon, ngọt khác hẳn các loại gạo khác. Vùng nguyên liệu của sản phẩm được trồng tại thôn Lùng Cháng, xã Thèn Phàng có những thửa ruộng bậc thang độ cao từ 1.000 m - 1.200 m so với mực nước biển, sẵn nguồn nước tự nhiên dẫn từ trong núi. Lúa Già Dui được gieo trồng vào cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 âm lịch, thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch từ 130 - 150 ngày. Quá trình canh tác người dân đều áp dụng đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn từ quy trình làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Trong đó, phân bón sử dụng để chăm sóc lúa là phân hữu cơ, thóc Già Dui khi thu hoạch phải được phơi đủ nắng tránh tình trạng bị mốc hoặc nảy mầm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo.

Lãnh đạo xã kiểm tra cánh đồng lúa Già Dui thôn Lùng Cháng.
Lãnh đạo xã kiểm tra cánh đồng lúa Già Dui thôn Lùng Cháng.

Chị Hà Thị Phúc, thôn Tà Lượt, xã Thèn Phàng, chủ hộ kinh doanh thương hiệu gạo tẻ Già Dui Xín Mần chia sẻ: Việc người dân áp dụng đúng quy trình chăm sóc, thu hoạch đã góp phần đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm. Nhờ vậy, gạo Già Dui trên thị trường luôn nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng, khách hàng tin tưởng đặt mua gạo ngày một tăng.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, việc phục tráng giống lúa Già Dui thuần chủng luôn được cơ quan chuyên môn của huyện Xín Mần và xã Thèn Phàng quan tâm thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền không trồng xen canh các giống lúa khác vào vùng lúa Già Dui được đẩy mạnh và người dân đều đã thực hiện tốt, đảm bảo yêu cầu. Vụ Mùa năm nay, thôn Lùng Cháng trồng 115 ha lúa Già Dui, với đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng nên dù thời gian qua huyện Xín Mần thường xuyên có mưa nhưng lúa tại đây không bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt 55 - 56 tạ/ha.

Chủ tịch UBND xã Thèn Phàng, Hoàng Đức Hạnh cho biết: Để phát triển vùng nguyên liệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian tới xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khoanh vùng và mở rộng diện tích gieo trồng từ 115 ha lên 130 ha; hướng dẫn người dân về kỹ thuật thâm canh, chăm sóc để nâng cao năng suất gắn liền với sản phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng đó, phối hợp với hộ kinh doanh thực hiện bao tiêu sản phẩm cho bà con, liên kết với các HTX trên địa bàn huyện để phát triển thêm sản phẩm từ gạo tẻ Già Dui.

Thương hiệu Gạo tẻ Già Dui là một trong những sản phẩm đặc trưng được huyện Xín Mần lựa chọn giới thiệu, trưng bày ở các sự kiện lớn do huyện và tỉnh tổ chức hay tại các quầy hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, lúa Già Dui cũng là cây trồng chủ lực tại thôn Lùng Cháng, được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế bởi thóc khô được bán với giá dao động từ 11.000 - 13.000 đồng/kg, gạo thành phẩm từ 25.000 - 30.000 đồng/kg và cao hơn các loại gạo tẻ nội địa khác trên thị trường hiện nay. Vậy nên, việc phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bài, ảnh: Hồng Nhung


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh chú trọng phát triển sản phẩm OCOP
BHG - Thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, huyện Yên Minh tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị sản phẩm OCOP, đưa nông sản địa phương vươn xa.
29/11/2022
Khai mạc Không gian giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với công bố kết quả chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2022
BHG - Nằm trong chuỗi các sự kiện Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ VIII, tối 25.11, tại Quảng trường 26.3, Sở Công thương phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Lễ khai mạc Không gian giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của tỉnh gắn với công bố kết quả chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang năm 2022.
26/11/2022
Khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn xa
 - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, từ một cái tên xa lạ – OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trở nên gần gũi, quen thuộc đối với người sản xuất và tiêu dùng. Điều này cho thấy, OCOP đã trở thành hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, khẳng định vị thế, thương hiệu nông sản đặc trưng trên dải đất biên cương cực Bắc.
24/01/2023
OCOP thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế nông thôn
BHG - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ tại huyện Bắc Quang đã trở thành giải pháp quan trọng để kinh tế nông thôn bứt phá theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị nông sản địa phương. Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).
24/01/2023