Bắc Mê khó khăn trong xây dựng “Mỗi xã 1 sản phẩm OCOP”
BHG - Chương trình OCOP được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Bắc Mê bên cạnh các xã đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP thì vẫn còn những địa phương đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng.
Các sản phẩm OCOP huyện Bắc Mê vắng bóng trong không gian trưng bày, quảng bá. |
Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay trên địa bàn huyện Bắc Mê đã có 21 sản phẩm OCOP được tỉnh cấp giấy chứng nhận từ 3 sao trở lên; trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn đã có chỗ đứng trên thị trường và được người dùng tín nhiệm. Tuy nhiên, chương trình triển khai trên địa bàn gặp một số khó khăn với nhiều nguyên nhân. Trong đó, công tác tuyên truyền cho người dân chưa đồng bộ, chưa có chiều sâu; cán bộ được giao phụ trách lĩnh vực phải kiêm nhiệm nhiều việc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp, chính quyền còn lúng túng trong lựa chọn, chủ động đưa sản phẩm tham gia chương trình; năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia còn ở quy mô nhỏ, thiếu kiến thức về thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi. Trên địa bàn chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu vực bán hàng, giới thiệu sản phẩm; việc triển khai bộ tiêu chí tại các xã chưa kịp thời...
Chia sẻ về câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn xã, đồng chí Hoàng Quốc Lương, Chủ tịch UBND xã Phú Nam cho biết: “Hiện xã có 1 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao đó là Rượu gạo Phú Nam. Với việc xây dựng thành công sản phẩm đã tạo nguồn thu ổn định, chỗ đứng và đầu ra cho người dân. Trên cơ sở đó, xã đã đề xuất nhiều sản phẩm khác, tuy nhiên đều không thể duy trì, khó đạt các tiêu chí với các nguyên nhân chủ yếu, như: Sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, không thường xuyên, chất lượng chưa cao; người dân, tổ chức kinh tế phần lớn là nông dân, trình độ hạn chế, do vậy việc tiếp cận, áp dụng công nghệ vào sản xuất còn yếu… Đơn cử như cây Bắp cải, là cây chủ lực cho năng suất cao, từ đó xã đã đề xuất xây dựng sản phẩm OCOP; nhưng theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng, đây không phải là sản phẩm đặc hữu của địa phương nên chưa thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Ngoài ra, diện tích manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cùng với đó cây chỉ trồng 1 vụ, không thể cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài”.
Tương tự tại xã Minh Sơn, để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm OCOP, xã xác định một số nông sản chủ lực, như: Lợn đen, dê, gà để xây dựng, tuy nhiên trong triển khai gặp nhiều trở ngại. Đồng chí Thào Mí Chính, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn chia sẻ: “Với đặc thù là xã có nhiều thành phần dân tộc sinh sống; hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhận thức của người dân về xây dựng sản phẩm OCOP còn hạn chế; nguồn nguyên liệu không ổn định; cùng với đó là khó khăn trong việc lập hồ sơ, quá trình làm thủ tục… Bởi vậy, cho đến nay xã vẫn chưa có sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn OCOP. Để xây dựng sản phẩm, xã đã hình thành chuỗi liên kết trong việc nuôi bò Vàng của 60 hộ dân tại thôn Kẹp B; với tín hiệu bước đầu này xã mong muốn sẽ xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP bò 1 nắng”.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng, đạt tiêu chuẩn OCOP, huyện Bắc Mê đã bàn và triển khai nhiều giải pháp, cụ thể: Thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xác định cụ thể các nhiệm vụ, tiến độ triển khai từng nội dung trong năm 2023 gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tuyên truyền các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn có sản phẩm được công nhận cần quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất để tạo sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký mã số, mã vạch, ghi nhãn hàng hóa gắn với mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh…
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc