"Chắp cánh" cho nông sản vươn xa

11:13, 31/12/2020

BHG - Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn; chắp thêm đôi cánh để nông sản đặc trưng của Hà Giang có điều kiện khẳng định thương hiệu, vươn xa hơn tới các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX Chế biến chè Phìn Hồ tại sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP huyện Hoàng Su Phì.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX Chế biến chè Phìn Hồ tại sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP huyện Hoàng Su Phì.

Là tỉnh miền núi, biên giới, mặc dù điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn nhưng Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, đặc biệt là lợi thế về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa. Trong đó, có thể kể đến: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, cam Sành, các sản phẩm dược liệu… Ngay sau khi Bộ NN&PTNT phê duyệt Chương trình OCOP, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2018 – 2020; thành lập Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn triển khai chương trình tới các ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh tới xã, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng về nội dung, ý nghĩa của chương trình tới đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hà Giang qua nhiều kênh thông tin tới người tiêu dùng.

Qua 2 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh có 375 sản phẩm của 63 doanh nghiệp, HTX và hộ dân đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 120 sản phẩm của 63 chủ thể (gồm 9 doanh nghiệp, 46 HTX, 8 hộ gia đình) đạt hạng từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, vải - may mặc, dịch vụ du lịch cộng đồng. Đặc biệt, sau khi Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 2 năm 2020 được diễn ra vào tháng 11 vừa qua, có 2 sản phẩm là Trà xanh và Hồng trà của HXT Chế biến chè Phìn Hồ được Hội đồng cấp tỉnh đề xuất T.Ư đánh giá đạt 5 sao và công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Mặc dù có xuất phát điểm thấp, nhưng với ưu điểm và thế mạnh riêng cùng cách làm nghiêm túc, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, chương trình OCOP trên địa bàn Hà Giang đạt được những kết quả đáng khích lệ; từng bước mở ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Là chủ thể của 2 sản phẩm được Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT đánh giá đạt 5 sao và công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia; những năm qua, HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường. Hiện, HTX đang liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết với trên 1.000 hộ dân nằm trong vùng nguyên liệu được công nhận đạt tiêu chuẩn Hữu cơ (Organic); trong đó, trên 160 ha đạt tiêu chuẩn Hữu cơ của châu Âu. Hiện nay, HTX có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó 2 sản phẩm Hồng trà và Trà xanh được tỉnh đề xuất T.Ư công nhận 5 sao.

Cùng với việc chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã triển khai trên 200 hệ thống mạng lưới đại lý, điểm bán hàng ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các sản phẩm của HTX không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà đã và đang vươn tới các thị trường quốc tế như xuất khẩu sang Đài Loan và một số nước Châu Âu. Đặc biệt năm 2019, tại Cuộc thi chất lượng trà xanh châu Á Thái Bình Dương, HTX đã có sản phẩm đoạt giải Bạc. Có thể nói, chương trình OCOP đã tạo “bệ đỡ” vững chắc, giúp các thành viên HTX thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị của cây chè Shan tuyết bản địa và xây dựng thương hiệu đặc trưng riêng có cho sản phẩm Fìn Hò trà.

Bên cạnh việc xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến, quảng bá thương mại sản phẩm OCOP cũng được các ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Tích cực tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại nhiều huyện; tỉnh đã xây dựng được 3 điểm bán và giới thiệu sản phẩm cấp tỉnh tại thành phố Hà Nội. Xúc tiến, giới thiệu sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Vinmart; trong đó có 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh đã vào được chuỗi siêu thị Vinmart gồm: Cam Sành Hà Giang, Mật ong Bạc Hà và chè Shan tuyết cổ thụ.

Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, cho biết: Mặc dù là chương trình mới, lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn, nhưng qua 2 năm thực hiện, có thể đánh giá đây là hướng đi đúng và phù hợp, đặc biệt là với địa phương có nhiều tiềm năng và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như Hà Giang. Chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, phát triển tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng đến hội nhập sâu, rộng kinh tế thị trường. Cùng với đó, mở ra hướng đi bền vững cho các sản phẩm nông sản có lợi thế ở địa phương, nâng cao giá trị sản xuất; từng bước nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên đẳng cấp quốc gia và quốc tế.

Bài, ảnh:  NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tâm huyết với hạt gạo nếp Quảng Nguyên

BHG - Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp dưới chân đèo Gió, năm 2017, chàng thanh niên người Tày Nguyễn Trọng Quế, thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên (Xín Mần) đã mạnh dạn đầu tư và thành lập HTX Thanh Tâm với mục đích liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm gạo nếp Quảng Nguyên và từng bước đưa đặc sản của địa phương ra thị trường trong nước.

 

30/06/2020
Mèo Vạc nâng tầm sản phẩm OCOP

BHG - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, Mèo Vạc tạo môi trường thuận lợi giúp các tổ chức kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín và tính cạnh tranh sản phẩm chủ lực, từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP.

 

26/12/2020
Toàn tỉnh có 49 sản phẩm OCOP đạt hạng 3-4 sao

BHG - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định 1487, phê duyệt kết quả phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Giang năm 2020 (lần 1).

25/08/2020
Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Thịt lợn đen thành phố Hà Giang"

BHG - Thành phố Hà Giang đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) "Thịt lợn đen thành phố Hà Giang" để tạo cơ hội cho người dân địa phương phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu ra các thị trường rộng hơn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dân và du khách gần xa. 

 

24/11/2020