Đảng viên Vàng Seo Khương tiên phong trồng Mướp đắng rừng ở Nàn Ma
BHG - Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đảng viên Vàng Seo Khương, thôn Nàn Lũng, xã Nàn Ma (Xín Mần) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ ngô sang trồng Mướp đắng rừng, một sản phẩm OCOP của huyện mang lại thu nhập cao, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, được nhiều người dân làm theo.
Anh Vàng Seo Khương thu hoạch Mướp đắng rừng. |
Năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có chương trình phát triển trồng Mướp đắng rừng để làm nguyên liệu ở các xã có đất đai phù hợp. Xã Nàn Ma là một trong những địa phương được hỗ trợ cây giống, nhưng do đây là cây trồng mới chưa ai trồng thử nên bà con e ngại không dám chuyển đổi. Là cán bộ xã, anh Vàng Seo Khương mạnh dạn nhận cây giống và hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chuyển đổi 0,5 ha đất trồng ngô lâu năm của gia đình sang trồng Mướp đắng rừng. Với sự hỗ trợ của Chương trình 135, anh Khương có thêm 15 triệu đồng để làm vốn phát triển sản xuất. Có vốn và cây giống, anh Khương học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây dược liệu này từ những hộ trồng Mướp đắng rừng đầu tiên tại xã Bản Ngò về áp dụng. Chịu khó và quyết tâm trồng thành công loại cây này, hàng ngày, cứ hết giờ làm việc, anh Khương lại cùng vợ chăm sóc nương Mướp đắng.
Mướp đắng rừng là loại cây trồng cho thu hoạch 2 vụ/năm nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng khác. Năm đầu tiên, do áp dụng kỹ thuật và đầu tư phân bón đúng lúc, anh Khương thu được 120 triệu đồng sau 2 vụ thu hoạch. Sau hơn 2 năm chuyển đổi cây trồng, mô hình trồng Mướp đắng rừng của anh được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình, nhiều bà con trên địa bàn đã học tập và chuyển đổi cây trồng sang Mướp đắng rừng. Do quả Mướp đắng rừng có đặc điểm bé hơn so với Mướp đắng thường và phải thu hái khi còn xanh nên rất dễ lẫn với lá, khó hái nhanh được. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày, anh Khương thuê từ 5 - 10 người giúp thu hái để kịp mang bán cho cơ sở thu mua tại thị trấn Cốc Pài. Mướp đắng rừng thu mua về sẽ được thái lát, sấy khô, hoặc nghiền thành túi lọc đóng gói thành sản phẩm. Đây là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh của huyện Xín Mần có đầu ra khá ổn định và tạo được nguồn thu cho bà con tham gia trồng cung cấp nguyên liệu.
Đánh giá về mô hình của anh Vàng Seo Khương, đồng chí Nông Hữu Chi, Chủ tịch UBND xã Nàn Ma cho biết: Đồng chí Khương là cán bộ năng nổ, có trách nhiệm với công việc được giao, là đảng viên gương mẫu, dám thử nghiệm cái mới. Mô hình trồng Mướp đắng rừng của anh đã chuyển đổi cây trồng thành công, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN