Cao trà và duyên nợ người con gái Hà thành

10:23, 28/12/2019

BHG - “Từ xưa đến nay, chúng ta đều có thói quen uống chè (trà) xanh, chè khô nhưng chưa từng nghĩ sẽ có ngày được thưởng thức Cao trà  cho đến khi sản phẩm độc đáo này xuất hiện. Đây không những là thức uống quý tộc mà còn là dòng trà dược quý, tốt cho sức khỏe”. Đó là nhận xét tâm đắc của nhiều chuyên gia, người thưởng trà trong và ngoài tỉnh khi nói về sản phẩm độc đáo Cao trà.

Doanh nhân Phạm Thị Minh Hải giới thiệu sản phẩm Cao trà.
Doanh nhân Phạm Thị Minh Hải giới thiệu sản phẩm Cao trà.

23 tuổi, người con gái gốc Hà thành Phạm Thị Minh Hải (sinh 1983) lần đầu tiên biết đến vùng chè Shan tuyết cổ thụ khi cô trở thành dâu hiền trong một gia đình doanh nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD) chè tiêu biểu của tỉnh. Cùng gia đình nhà chồng vượt qua bao thăng trầm nơi thương trường, giờ cô đã là doanh nhân thành đạt với nhiều nghiên cứu khoa học về chè. Điển hình trong đó, Cao trà không chỉ là sản phẩm đầy tâm huyết của cô mà còn là 1 trong 69 sản phẩm vừa được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.

Lần đầu tiên chứng kiến một quy trình pha trà độc đáo, do Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn (tổ 9, xã Phương Độ - thành phố Hà Giang) Phạm Thị Minh Hải thực hiện, khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ, thú vị. Bởi quy trình này hoàn toàn khác biệt so với cách pha trà truyền thống. Nguyên liệu trà được gia chủ lấy từ một lọ nhỏ, dạng xịt chứa 50 ml dung dịch. Chỉ cần xịt đủ 3 giọt vào chén chứa khoảng 150 – 200 ml nước sôi (hoặc để nguội) là có ngay một tách trà dậy mùi thơm đặc trưng với sắc nước óng vàng bắt mắt cùng vị ngọt hậu lưu lại sau thưởng thức; đó chính là Cao trà. Chia sẻ về sản phẩm độc đáo này, chị Hải cho biết: Tháng 12.2015, sau khi nhận chuyển giao khoa học, công nghệ (KHCN) Đề tài: “Chiết xuất chất Polyphenol từ búp trà Shan tuyết cổ thụ” của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam), Công ty TNHH Thành Sơn đã ứng dụng phát triển thành sản phẩm thương mại Cao trà, từ chè xanh Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên dải Tây Côn Lĩnh và đã được cơ quan chuyên môn chứng nhận sở hữu trí tuệ.

Cao trà không chỉ là nguồn thức uống cao cấp mà còn có nhiều tác dụng dược học quý. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học thì chất Polyphenol trong búp chè có giá trị đặc biệt quan trọng đối với chất lượng chè nói chung và tác dụng sinh dược học nói riêng, giúp phòng và chữa bệnh cho con người. Ví như, góp phần thải độc cơ thể, chống oxi hóa, kháng viêm, kháng khuẩn; ngăn ngừa ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, giảm lượng đường trong máu, tốt cho bệnh nhân điều trị bệnh gout; giúp giảm căng thẳng, tăng cường hệ thống miễn dịch, duy trì trí nhớ… Trong khi đó, Hà Giang được các chuyên gia đánh giá là cái nôi của chè Shan tuyết cổ thụ với chất lượng độc đáo và hàm lượng Polyphenol cao, lên đến 45,7%.

Hiện nay, Cao trà được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh (như Lào Cai, Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Dương) phân phối sản phẩm, với giá bán gần 600 nghìn đồng/lọ 50 ml. Đặc biệt hơn, thay vì để cao ở dạng cô đặc như những sản phẩm cao khác, Cao trà có dạng lỏng, đựng trong lọ chân không nên rất thuận tiện khi sử dụng, không mất nhiều thời gian thao tác để có tách trà thưởng thức. Hơn nữa, sản phẩm này còn được đặt trong hộp giấy lót nhung, có kích thước nhỏ gọn, màu sắc bắt mắt để trở thành sản phẩm độc đáo, ý nghĩa làm quà tặng người thân…

Có thể khẳng định, bằng tình yêu thực sự với cây chè, doanh nhân Phạm Thị Minh Hải đã trở thành thế hệ thứ 2 kế nhiệm Công ty TNHH Thành Sơn của doanh nhân Ngô Thành (bố chồng chị Hải). Và nay, Thành Sơn được biết đến là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tiên phong sản xuất các dòng trà Xanh, trà Trắng, Hồng trà, trà dược. Không những vậy, năm 2018, Thành Sơn còn trở thành doanh nghiệp KHCN của tỉnh với 3 sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN, như: Trà Lạc hồng, Hồng Shan và Hồng trà Shan tuyết. Từ đây, Thành Sơn được biết đến là doanh nghiệp tiên phong đưa KHCN vào sản xuất trà Shan tuyết cổ thụ, hướng đến sản phẩm tinh, có giá trị cao, tạo ra các sản phẩm dược tốt cho sức khỏe cũng như mỹ phẩm từ trà.

Chia sẻ về những thành công này, nữ doanh nhân gốc Hà Nội có gương mặt thanh tú và giọng nói cuốn hút ấy chỉ khiêm nhường: “Đó là duyên nợ”. Bởi quá trình tiếp xúc với công việc SXKD chè của gia đình nhà chồng đã kết tinh tình yêu trong cô. Yêu chè, gắn bó với người dân vùng chè, chứng kiến cuộc sống còn cơ cực của đồng bào, cô nghĩ mình nợ người sản xuất những sản phẩm chè cao cấp: “Họ có nguyên liệu tuyệt vời, được cả thế giới ước mơ, tại sao mình không tạo nên những sản phẩm tuyệt vời để đôi bên cùng phát triển bền vững?”. Từ ý tưởng này, cô được bố chồng truyền cảm hứng và dạy những bài học quý để nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm chè cao cấp, góp phần tạo nên danh tiếng Thành Sơn ngày nay.

Dù đã nghiên cứu, sáng tạo hàng chục sản phẩm độc đáo từ chè Shan tuyết cổ thụ với nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế nhưng trong trái tim, huyết quản nữ doanh nhân ấy vẫn không ngừng chảy “dòng máu” đam mê sáng tạo. Bởi cô muốn góp sức mình để tương lai không xa, chè Shan tuyết Hà Giang không chỉ là thương hiệu, tài sản của tỉnh mà còn mang thương hiệu Quốc gia trên con đường hội nhập…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên "đánh thức" tiềm năng cây chè

BHG - Được xác định là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện, những năm qua, Vị Xuyên đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm "đánh thức" tiềm năng cây chè.  Tổng diện tích chè hiện nay của toàn huyện là 3.674 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch 3.420 ha; năng suất chè búp tươi bình quân đạt 39,2 tạ/ha, sản lượng đạt 13.409 tấn/năm, tập trung tại các xã: Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần, Phương Tiến, Lao Chải, Xín Chải, Thanh Thủy...

29/11/2019
Yên Minh phát huy giá trị các sản phẩm chủ lực

BHG - Huyện Yên Minh có 18 xã, thị trấn với nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương đã và đang dần khẳng định được thương hiệu. Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đang vận dụng linh hoạt, tận dụng nguồn lực hỗ trợ để phát huy giá trị và xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực. Đề án OCOP được tỉnh triển khai từ năm 2018 và lựa chọn huyện Quản Bạ thực hiện thí điểm; từ đó, rút kinh nghiệm triển khai trên toàn tỉnh.

29/10/2019
Mèo Vạc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019

BHG - Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mèo Vạc tổ chức xây dựng hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh.

 

28/10/2019
Xín Mần với hướng đi vững chắc cho sản phẩm OCOP

BHG - Để phát huy hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn, UBND huyện Xín Mần đã ban hành quyết định thành lập Ban điều hành OCOP, đồng thời trực tiếp bám sát, chỉ đạo và cùng các xã, thị trấn thực hiện. Năm 2018, tại Hội nghị triển khai, tập huấn và tư vấn Chương trình OCOP; huyện đã tiếp nhận 26 ý tưởng và được Ban điều hành đánh giá tính phù hợp và trình UBND tỉnh 14 ý tưởng

27/09/2019