Xín Mần với hướng đi vững chắc cho sản phẩm OCOP
BHG - Để phát huy hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn, UBND huyện Xín Mần đã ban hành quyết định thành lập Ban điều hành OCOP, đồng thời trực tiếp bám sát, chỉ đạo và cùng các xã, thị trấn thực hiện. Năm 2018, tại Hội nghị triển khai, tập huấn và tư vấn Chương trình OCOP; huyện đã tiếp nhận 26 ý tưởng và được Ban điều hành đánh giá tính phù hợp và trình UBND tỉnh 14 ý tưởng. Trong đó, nâng cao đối với 8 sản phẩm đã có, làm mới 6 sản phẩm. Để hoàn thiện các sản phẩm đặc trưng của từng xã, thị trấn; huyện xác định lộ trình lâu dài với những bước đi vững chắc và có sự phối hợp của các ban, ngành, doanh nghiệp cùng bà con đưa sản phẩm địa phương trở thành hàng hóa.
Mật ong Nàng Hương sản phẩm đặc trưng của xã Cốc Rế. |
Để các sản phẩm đặc trưng của từng xã có sản phẩm ổn định bán ra thị trường, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Văn hóa và Thông tin căn cứ tình hình các sản phẩm hiện có của huyện để tham mưu cho UBND huyện tập trung, nâng cao chất lượng, sản lượng 14 sản phẩm gồm: Giảo cổ lam Thèn Phàng; miến dong Gia Long; chè Shan tuyết Chế Là, Bản Vẽ; mật ong Thảo quả Nấm Dẩn, mật ong rừng Thu Tà, mật ong rừng Nàng Hương Cốc Rế, gạo Già dui Thèn Phàng; gạo nếp Quảng Nguyên; Hạt Ý dĩ Chí Cà, trà Mướp đắng rừng; thịt trâu sấy khô Tả Nhìu; thịt lợn hun khói, thịt chua Quảng Nguyên; Hồng không hạt Chí Cà để triển khai thực hiện trong năm 2019. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với Viễn thông Hà Giang tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị tham gia Đề án OCOP thực hiện sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Có phương án hướng dẫn, hỗ trợ UBND các xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, sử dụng kinh phí để quy hoạch và tổ chức sản xuất; thiết kế, quản lý bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại,…
Hiện, kết quả đạt được là rất khả quan với 7 sản phẩm được hỗ trợ đã quy hoạch được vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất sản phẩm, đăng ký và in ấn bao bì mẫu, tham gia các đợt xúc tiến thương mại của huyện… Đến nay, đang duy trì các sản phẩm gồm chè Nà Trì, gạo nếp Quảng Nguyên, chè Bản Vẽ, mật ong Cốc Rế, chè Chế Là. Đối với các sản phẩm hiệu quả thấp như: Mật ong xã Thu Tà, mây tre đan Khuôn Lùng, hạt Ý dĩ Chí Cà không còn được hỗ trợ về kinh phí tiếp tục thực hiện; thay vào đó là phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng như: Trà Mướp đắng rừng; thịt trâu sấy khô Tả Nhìu; thịt lợn hun khói; thịt chua Quảng Nguyên; Hồng không hạt Chí Cà.
Huyện đang tập trung vào đa dạng hóa và chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp. Khôi phục và nâng cấp các sản phẩm đã được hỗ trợ theo kế hoạch, không để lãng phí nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ mà không tạo ra sản phẩm hàng hóa theo mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có thực lực tham gia đưa các sản phẩm có ưu thế của địa phương trở thành hành hóa, dần hình thành chuỗi sản xuất có thương hiệu, khẳng định chất lượng và xuất xứ địa lý. Thực hiện chuỗi liên kết giữa người sản xuất và các tổ chức kinh tế, HTX tham gia Chương trình OCOP; hiện, trên địa bàn huyện có 6 tổ chức kinh tế: HTX Lùng Cháng, HTX Thanh Tâm, Công ty TNHH Gia Long, HTX Cốc Rế, HTX Xuân Mai, HTX Bản Vẽ duy trì hoạt động và đồng hành cùng bà con tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong tương lai sẽ phát triển mới ít nhất 3 tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và HTX sản xuất sản phẩm: Thịt lợn xúc xích; Giảo cổ lam Thèn Phàng; trà khổ qua rừng.
Với hướng đi lâu dài, huyện Xín Mần đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp huyện nhằm góp phần hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình OCOP, triển khai xây dựng và duy trì hệ thống trung tâm, cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các địa phương có điều kiện tốt về giao thương và du lịch. Trong năm 2019, phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 70% sản phẩm hiện đạt 3 sao trở lên tại các xã, thị trấn; phấn đấu có ít nhất 3 sản phẩm 4 sao cấp huyện gồm: Trà Khổ qua rừng, Gạo Già dui Thèn Phàng, chè Chế Là; 1 sản phẩm 3 - 5 sao cấp tỉnh là miến dong Gia Long và thực hiện một làng văn hóa du lịch...
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN
Ý kiến bạn đọc