Bắc Mê nâng cao chất lượng sản phẩm tinh bột nghệ

20:18, 11/06/2019

BHG - Trước đây trên địa bàn huyện Bắc Mê, cây nghệ thường mọc tự nhiên xen với các loại cây trồng khác, hoặc dưới những tán rừng. Từ năm 2015, cây nghệ được thương lái các tỉnh và HTX trên địa bàn thu mua. Hiện, cây nghệ đã trở thành cây trồng được bà con trong huyện trồng với diện lớn và là hướng phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây nghệ, UBND huyện Bắc Mê đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát diện tích để xác định vùng trồng nghệ tập trung.

Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX nghệ Ngọc Sơn kiểm tra các sản phẩm nghệ, tại gian hàng trưng bày xã Minh Ngọc (Bắc Mê).
Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX nghệ Ngọc Sơn kiểm tra các sản phẩm nghệ, tại gian hàng trưng bày xã Minh Ngọc (Bắc Mê).

Hiện nay, tổng diện tích cây nghệ được trồng trên địa bàn huyện Bắc Mê là 280 ha, sản lượng bình quân ước khoảng 3.362,4 tấn (trung bình khoảng 12 tấn/ha). Từ đầu năm 2019 đến nay, các doanh nghiệp, HTX và các tiểu thương đã thu mua được khoảng 480 tấn, cụ thể: HTX Ngọc Sơn thu mua được khoảng 350 tấn; Công ty TNHH Cát Thành liên kết trồng hơn 60 ha nghệ tại xã Phú Nam, sản lượng thu mua khoảng 80 tấn; các tiểu thương khác thu mua nhỏ lẻ được khoảng 50 tấn. Sản lượng nghệ hiện chưa thu hoạch tại các xã ước còn khoảng 2.800 tấn. Tại Công ty TNHH Cát Thành hiện có 8 loại sản phẩm, gồm: Tinh bột nghệ vàng; tinh bột nghệ đen; bột nghệ nguyên chất; viên nghệ vàng mật ong; viên nghệ đen mật ong; tinh dầu nghệ; cao nghệ Curcumin; bánh khảo nghệ và HTX Ngọc Sơn có 2 sản phẩm: Tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đen.

Công nhân Công ty TNHH Cát Thành sơ chế sản phẩm nghệ.
Công nhân Công ty TNHH Cát Thành sơ chế sản phẩm nghệ.

Nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển thương hiệu sản phẩm nghệ Bắc Mê, huyện đã triển khai nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ, như: Hỗ trợ cho các tổ chức, HTX trên địa bàn tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng tại các lễ hội truyền thống, hội chợ thương mại, các hội nghị, hội thảo được tổ chức trong và ngoài tỉnh; xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm tinh bột nghệ; hỗ trợ dây chuyền sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp để các cơ sở tham gia chương trình OCOP cho HTX Ngọc Sơn và Công ty TNHH Cát Thành; đồng thời cho Công ty TNHH Cát Thành vay vốn có thu hồi để đầu tư liên kết sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu...

Đánh giá về chất lượng và tiềm năng phát triển của các sản phẩm nghệ tại Bắc Mê; chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX nghệ Ngọc Sơn, cho biết: “Là cơ sở sản xuất nghệ đầu tiên và mang thương hiệu Bắc Mê, để có được sản phẩm nghệ như hiện nay, ban đầu chúng tôi cũng phải đi học hỏi về kỹ thuật và công nghệ tại tỉnh Vĩnh Phúc và thuê công nhân dưới xuôi lên làm việc. Với số lượng sản xuất năm đầu là hơn 3 tấn nghệ và sản phẩm ra đến đâu đều bán hết đến đó. Từ thành công đó, chúng tôi tiếp tục đầu tư máy móc và thuê nhân công tại địa phương; cho đến vụ nghệ năm 2019, HTX đã xuất bán ra thị trường từ 8 – 10 tấn, phân bổ rộng khắp các tỉnh trong cả nước. Sản phẩm nghệ của HTX được đánh giá tích cực từ phía khách hàng; đặc biệt, đầu năm 2019, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX được vinh danh là thương hiệu Nông nghiệp Nông thôn tiêu biểu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng. Cùng với đó, sản phẩm đã được cấp mã số, mã vạch và được công bố hợp quy và hiện đang tham gia chương trình OCOP. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư và mở rộng dây chuyền sản xuất và dự kiến sẽ xuất bán ra thị trường từ 13 – 15 tấn/năm”.

Có thể nói, bên cạnh việc nâng tầm sản phẩm nghệ, giá trị dinh dưỡng của nghệ đã được đánh giá khá cao với hàm lượng Curcumin đạt 57,2% do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thẩm định. Qua đó, các cơ sở sản xuất trên địa bàn đã tiến hành mở rộng sản xuất và cho ra đời các sản phẩm viên nén nghệ Nano và các sản phẩm có giá trị, thích hợp với nhu cầu của thị trường và thị hiếu của khách hàng.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Chắp cánh" cho sản phẩm mật ong Thảo quả

BHG - Hợp tác công – tư giữa Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) với hộ kinh doanh Tô Thị Vân Anh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) được ký kết vào cuối năm 2017 nhằm thực hiện Tiểu dự án "Phát triển nuôi ong lấy mật, xây dựng và quản lý nhãn hiệu mật ong Thảo quả". Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình CPRP, đến nay cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong Thảo quả Vân Anh đã và đang phát triển về quy mô cũng như chất lượng, sản phẩm mật ong Thảo quả được thị trường ưa chuộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

24/04/2019
Phong Vân trà hội tụ tinh hoa trời đất

BHG - Chè Shan tuyết cổ thụ Bó Đướt, Đán Khao, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) thơm ngon nổi tiếng của Hà Giang. Với độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, những vùng chè Shan tuyết cổ thụ là nơi hội tụ tinh hoa của trời đất, tạo nên hương vị chè thơm ngon, độc đáo. Tinh hoa ấy đang hội tụ trong sản phẩm Phong Vân trà do HTX Thanh niên sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm sản xuất.

 

24/01/2019
Người giữ nghề dệt truyền thống tại xã Du Già

BHG - Từ sạp hàng bán các sản phẩm dệt thủ công đầy màu sắc tại chợ phiên xã Du Già (Yên Minh), chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Liên, thôn Làng Khác A để tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày nơi đây. Chúng tôi đến nhà, đúng lúc chị Liên đang dệt vải; những sợi tơ nhiều màu được đôi bàn tay khéo léo đan dệt thành những hoa văn rất tinh tế. Ngừng tay dệt, chị Liên kể về cơ duyên đến với nghề; ban đầu...

22/03/2019
Phát triển thương hiệu dầu lạc Đồng Yên

BHG - Thực hiện Đề án "Mỗi vùng quê một sản phẩm", thời gian qua huyện Bắc Quang đã cho ra mắt nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó có dầu lạc của xã Đồng Yên. Nói đến dầu lạc, không mấy ai còn xa lạ với hương vị của nó, vừa giữ được sự thanh đạm lại thơm ngon đặc trưng. Nhận thấy tiềm năng của việc phát triển dầu lạc, Đồng Yên - xã vùng thấp của huyện Bắc Quang có diện tích và sản lượng lạc lớn đã nghiên cứu, chế tạo sản phẩm này. Năm 2017, xã Đồng Yên đã đăng ký dầu lạc là sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng và thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản dầu lạc.

 

20/12/2018