Bắc Quang tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng
BHG - Mỗi năm, huyện Bắc Quang cung cấp ra thị trường trên 2.000 tấn gạo đặc sản, trên 6.000 tấn lạc và dầu lạc, tinh dầu cam cùng với hàng trăm tấn chè thành phẩm... Lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững của các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng, miền đang được Bắc Quang tập trung đầu tư.
Trồng Thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Đồng Yên. |
Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Hoàng Văn Hùng cho biết, địa phương hiện có trên 290 ha chè được tổ chức Nông lương Thế giới công nhận đạt chuẩn chè Shan tuyết hữu cơ. Từ khi được công nhận chứng chỉ, các sản phẩm chè của HTX Kim Chỉnh (Cổng trời 1) và Công ty TNHH Trà Hoàng Long (Tân Lập) chế biến ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó; giá bán các sản phẩm chè hữu cơ cũng tăng gần gấp đôi sản phẩm cùng chủng loại. Đại diện HTX chè Cổng trời 1 cho biết: UBND huyện Bắc Quang, xã Tân Lập có nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm chè chất lượng cao. Bên cạnh đó, HTX còn được ưu đãi vay vốn lãi suất thấp để thu mua chè nguyên liệu cho bà con. Có máy mới, có công nghệ chế biến hiệu quả, chất lượng cao nên sản phẩm chè của HTX luôn được thị trường đón nhận. Chè đặc sản Cổng trời 1 làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, đồng vốn đầu tư được quay vòng liên tục.
Nhận thấy lợi ích của cây chè cổ thụ mang lại, UBND xã Tân Thành đà xúc tiến đăng ký Chỉ dẫn địa lý sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh núi thôn Phìn Hồ 1, 2 và 3. Sau gần một năm xây dựng thương hiệu, Tân Thành có 100 ha chè Shan tuyết cổ thụ hữu cơ tại các thôn Phìn Hồ 1, 2 và 3 được công nhận chè hữu cơ trong quý I vừa qua. Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành, Nguyễn Viết Thắng cho biết: Cơ sở thu mua và chế biến chè Vĩnh Sính được UBND xã giao trách nhiệm gìn giữ, phát triển thương hiệu chè hữu cơ Phìn Hồ thành sản phẩm đặc trưng cấp tỉnh. Kèm theo đó, Tân Thành còn phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản trên mặt nước vùng lòng hồ Thuỷ điện Sông Lô 4. Hiện tại, có 10 bè cá, khoảng 140 lồng nuôi, sản lượng ước khoảng 100 tấn/năm. Hiện nay, địa phương đã đăng ký phát triển bền vững 3 sản phẩm đặc trưng đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Sau gần 2 năm đầu tư xây dựng, sản phẩm dầu lạc hữu cơ của HTX chế biến Dầu lạc Đồng Yên đã đi vào sản xuất ổn định. Mỗi năm, HTX chế biến và cung cấp ra thị trường hàng nghìn lít dầu ép nguyên chất từ hạt lạc nhân trồng tại xã Đồng Yên, Vĩnh Phúc. UBND huyện Bắc Quang đã hỗ trợ 150 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của huyện để HTX đầu tư công nghệ ép dầu, hỗ trợ quảng bá sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Hồng Tuyên cho biết: UBND huyện đã xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP để hỗ trợ đầu tư sản xuất cho 26 sản phẩm đặc sản tại các địa phương. Theo đó, cả 23 xã, thị trấn phải xây dựng ít nhất 1 sản phẩm tiêu biểu/xã. Năm 2019, Bắc Quang đăng ký với tỉnh xây dựng 26 sản phẩm tiêu biểu theo tiêu chuẩn OCOP.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG
Ý kiến bạn đọc