Nâng tầm thương hiệu củ cải nương Hoàng Su Phì

09:20, 14/03/2019

BHG - Là 1 trong 9 sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao nằm trong Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện Hoàng Su Phì, củ cải nương được người dân trồng khoảng 300 - 400 ha mỗi vụ, tổng sản lượng ước đạt 2.500 tấn/vụ. Do hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên củ cải phát triển tốt và có hương vị giòn, ngọt, ngon đặc biệt.

Sơ chế củ cải nương tại HTX Thương mại – dịch vụ và chế biến nông – lâm sản Hoàng Su Phì.
Sơ chế củ cải nương tại HTX Thương mại – dịch vụ và chế biến nông – lâm sản Hoàng Su Phì.

Củ cải nương vốn phù hợp với thời tiết lạnh nên người dân trồng theo các vụ, từ tháng 9 đến tháng 12 và từ cuối tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Trong quá trình canh tác, bà con chỉ gieo hạt, bón phân và làm cỏ; sau khoảng 3 tháng, khi củ cải chồi hẳn lên mặt đất thì bắt đầu thu hoạch.

Thử nghiệm một số sản phẩm mới từ củ cải.
Thử nghiệm một số sản phẩm mới từ củ cải.

Trên địa bàn huyện hiện có Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ và chế biến nông lâm sản (HTX) Hoàng Su Phì thu mua và chế biến các sản phẩm từ củ cải của người dân địa phương. Sản phẩm đặc trưng từ củ cải nương của HTX là củ cải sợi sấy khô. Đây là một sản phẩm hướng đến  những người ăn chay nên đảm bảo các tiêu chuẩn sạch, an toàn, có mùi thơm đặc trưng nên được nhiều người ưa chuộng. Sau 3 năm, sản phẩm đã có mặt ở nhiều siêu thị đồ chay tại các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Chị Lý Mùi Mương, Giám đốc HTX cho biết: Củ cải là một trong những loại thực phẩm phổ thông được nhiều gia đình ưa chuộng, có giá trị dinh dưỡng cao, chế biến được nhiều món ăn và có nhiều công dụng trong hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Củ cải trắng tươi được sử dụng để chế biến các món luộc, kho, nấu canh; còn sợi cải khô có thể ăn kèm với lẩu, xào hay làm phụ liệu cho các món khác như: Bún thang, nộm...

Hiện nay, HTX đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, dây chuyền đóng gói sản phẩm củ cải khô khép kín trị giá hàng trăm triệu đồng, bảo đảm các yêu cầu an toàn, vệ sinh thực phẩm... Mỗi ngày xưởng sản xuất khoảng 2 tấn củ cải tươi. Chị Lý Mùi Mương chia sẻ thêm: Từ đầu năm 2019, HTX bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm một số mẫu sản phẩm mới như: Củ cải sấy dẻo, củ cải muối khô và củ cải trộn ăn liền. Với những ưu điểm như chủ động trong sơ chế nguyên liệu và thời gian bảo quản; sản phẩm mới có hương vị thơm, ngon và hấp dẫn; chi phí sản xuất thấp nên giá thành sản phẩm hợp lý hơn... HTX đang kỳ vọng những mẫu sản phẩm mới sẽ tạo bước đột phá mới trong quá trình chinh phục nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng...

Về tiềm năng để phát triển các sản phẩm của Chương trình OCOP trên địa bàn huyện, ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Đa số cây trồng, vật nuôi bản địa đều có chất lượng rất tốt. Một số sản phẩm đã được các cá nhân, doanh nghiệp khai thác, xây dựng thương hiệu và cho doanh số ổn định như: Fìn Hò trà; Hồng trà; tTrà Hạnh Quang; rượu thóc Nàng Đôn; trà Tấn Xà Phìn; trà siêu sạch Túng Sán; trà Chung Hà; sản phẩm củ cải nương... Những năm gần đây, từ khi HTX triển khai các hoạt động thu mua, chế biến sản phẩm từ cây củ cải đã góp phần tích cực trong việc tiêu thụ nông sản của người dân. Đồng thời, quảng bá rộng rãi hình ảnh cũng như chất lượng sản phẩm củ cải nương của địa phương.

Bài, ảnh:  ĐẠI TÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về với vùng hồi Bắc Mê

BHG - Thôn Nà Nôm, xã Đường Âm – nơi khởi điểm hình thành vùng trồng cây Hồi tại Bắc Mê những ngày này luôn ngập tràn hương thơm ngào ngạt. Với đặc điểm nằm trong vùng khí hậu ôn đới, những năm qua cây Hồi đã bước đầu đem lại giá trị kinh tế, từng bước giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Ông Phùng Văn Hỏn, người đầu tiên đưa cây Hồi về trồng thử nghiệm tại thôn Nà Nôm cho biết: "Cách đây 10 năm, khi đi làm tại tỉnh Cao Bằng, thấy người dân nơi đây trồng rất nhiều Hồi, giá thành sản phẩm cao, tôi đã mua cây giống về để trồng thử; không ngờ cây Hồi rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. 

30/11/2018
Sủng Máng phát huy nghề may trang phục truyền thống

BHG - Trong rất nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp trên Cao nguyên đá, nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Dao, Mông ở xã Sủng Máng (Mèo Vạc) đang được nhiều hộ dân gìn giữ, phát huy và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Sủng Máng hiện có 529 hộ, 2.864 khẩu; trong đó, trên 55% hộ nghèo và đa phần bà con nơi đây sinh sống phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi điều kiện thời tiết và địa hình rất khắc nghiệt, đất canh tác ít, nước sinh hoạt luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng… Chính vì vậy, một số thôn của xã đẩy mạnh phát triển nghề may trang phục truyền thống nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. 

28/11/2018
Đặc sản chè Bản Vẽ, đậm đà hương vị "đèo Gió, thác Tiên"

BHG - Thôn Bản Vẽ cách trung tâm xã Nà Chì (huyện Xín Mần) khoảng 5 km về phía Tây Bắc, nơi đây trồng và chế biến một loại chè đặc sản, đang từng bước tạo dựng uy tín của riêng mình và được người tiêu dùng đón nhận. Nằm cuối phía Tây rặng Tây Côn Lĩnh và nơi bắt đầu khu rừng đèo Gió, cửa ngõ đến trung tâm huyện Xín Mần; Nơi dòng Nậm Luông (theo tiếng Tày có nghĩa là "dòng suối lớn") bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy qua huyện Bắc Hà (Lào Cai) rồi chảy dọc thôn Bản Vẽ. Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với điều kiện thổ nhưỡng tốt đã ban cho cây chè ở nơi đây hương vị riêng biệt...

28/09/2018
Hà Giang, danh tiếng miền chè Shan - Kỳ cuối: Đi tìm các "cụ" chè Shan khổng lồ

BHG - Nhắc đến Hà Giang, đầu tiên mọi người sẽ nhắc đến miền đất chè. Nếu có niềm đam mê khám phá, ngoài việc được thưởng thức những hương chè riêng, lạ, bạn có thể bắt gặp nhiều điều đặc biệt từ những vùng chè nơi đây. Một trong những điều đặc biệt, đó là bạn có thể tận thấy những cây chè cổ thụ, khổng lồ hàng trăm tuổi, được coi là những di sản sống, biểu tượng cho lịch sử và sự phát triển của vùng chè Shan Hà Giang.

 

27/09/2018