Sủng Máng phát huy nghề may trang phục truyền thống
BHG - Trong rất nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp trên Cao nguyên đá, nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Dao, Mông ở xã Sủng Máng (Mèo Vạc) đang được nhiều hộ dân gìn giữ, phát huy và đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Gia đình Bà Phùng Mẩy Liều, thôn Sủng Nhỉ B may các trang phục truyền thống của dân tộc Dao, dân tộc Mông. |
Sủng Máng hiện có 529 hộ, 2.864 khẩu; trong đó, trên 55% hộ nghèo và đa phần bà con nơi đây sinh sống phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi điều kiện thời tiết và địa hình rất khắc nghiệt, đất canh tác ít, nước sinh hoạt luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng… Chính vì vậy, một số thôn của xã đẩy mạnh phát triển nghề may trang phục truyền thống nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hiện, toàn xã có 112 hộ dân tộc Dao tại 3 thôn Sủng Máng, Sủng Nhỉ A, Sủng Nhỉ B làm nghề may trang phục. Điều đặc biệt là các hộ này không chỉ may các bộ trang phục của dân tộc Dao mà còn may cả trang phục dân tộc Mông, chính vì thế thị trường tiêu thụ không chỉ trong cộng đồng dân tộc Dao, Mông trong xã mà còn ở các xã lân cận. Theo anh Phản Chí Hìn, thôn Sủng Nhỉ B, từ khi 14 - 15 tuổi, anh đã biết may quần áo; đến lúc lấy vợ, anh lại dạy cho vợ cùng làm, đến giờ cũng muốn truyền nghề lại cho con cháu để lưu giữ lại cái nghề. Theo như anh Hìn chia sẻ, 1 tháng gia đình anh có thu nhập thêm từ 3 - 4 tiệu đồng từ nghề may; quần, áo sau khi được hoàn thiện, ngoài khách đặt hàng trước, gia đình anh còn mang đến chợ phiên của các xã: Lũng Phìn, Sà Phìn (Đồng Văn), Du Già, Du Tiến (Yên Minh) để bán. Có thu nhập thêm từ nghề may, anh Hìn đã mua sắm được các vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt gia đình và có tiền cho con cái học hành...
Trang phục may tại xã Sủng Máng được bán tại chợ phiên Lũng Phìn (Đồng Văn). |
Trang phục truyền thống như “tiếng nói” riêng, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, vùng miền. Những người thợ may nơi đây, sau khi kết thúc công việc nương rẫy trở về nhà lại cùng nhau bên chiếc máy khâu; cắt từng mảnh vải, thêu từng đường kim, mũi chỉ. Với nguồn nguyên liệu được nhập chủ yếu là vải trắng, sau khi nhuộm thuốc được lấy từ cây chàm đã cho ra những tấm vải màu sắc khác nhau, phù hợp với từng loại trang phục của đồng bào. Theo bà Phùng Mẩy Liều, thôn Sủng Nhỉ B, người có kinh nghiệm lâu năm trong thôn cho biết: Trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao, Mông có mầu sắc sặc sỡ, đường thêu tỉ mỉ; nên phải mất từ 2 đến 3 tháng mới làm xong một bộ hoàn chỉnh. Còn đối với trang phục nam, ít đường thêu hơn, thời gian may cũng ít hơn. Một bộ trang phục nam dao động từ 400 đến 800 nghìn đồng, tùy thuộc vào từng loại vải; đối với trang phục nữ sẽ có giá thành cao hơn, có thể lên tới hàng chục triệu đồng một bộ, bởi đường nét thêu rất tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành, ngoài những trang phục được đặt may, mỗi khi đến phiên chợ, người thợ may lại mang ra chợ bán; qua đó vừa phục vụ nhu cầu của người dân, vừa quảng bá tới khách du lịch về nét đẹp truyền thống.
Hiện nay, thay vì dùng những chiếc máy khâu truyền thống phải đạp bằng chân như xưa; những người thợ may xã Sủng Máng đã trang bị cho mình chiếc máy khâu công nghiệp được dùng bằng điện. Nhờ vậy, thời gian may cũng như năng suất lao động đã được cải thiện rất nhiều. Đồng chí Phàn Thị Đánh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sủng Máng, cho biết: Nếu so sánh với các ngành nghề hiện có trên địa bàn xã như nông - lâm nghiệp, nghề rèn,… thì nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Dao ở các thôn Sủng Máng, Sủng Nhỉ A, Sủng Nhỉ B đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với nghề nông. Trung bình mỗi hộ làm may có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm, nghề may không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người dân, mà còn là nghề để người dân giữ gìn nét văn truyền thống của dân tộc mình trên vùng Cao nguyên đá.
Để bảo tồn nét văn hóa này, cấp ủy, chính quyền xã Sủng Máng đã thống nhất đăng ký với huyện Mèo Vạc sản phẩm may trang phục truyền thống dân tộc Dao là sản phẩm đặc trưng năm 2018.
Bài, ảnh: N. Ngân - L. Lâm
Ý kiến bạn đọc