Ớt gió Đồng Văn – Sản phẩm đặc trưng của Cao nguyên đá
BHG - Trước nhu cầu tiêu thụ mạnh, giá bán khá cao, những năm gần đây nhiều gia đình ở thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) đã chủ động phát triển mạnh cây Ớt gió nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch và tăng thu nhập; góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Người dân thôn Bản Mồ thu hoạch Ớt gió. |
Gia đình anh Hò A Phủ, thôn Bản Mồ, thị trấn Đồng Văn là một trong những hộ có diện tích trồng Ớt gió nhiều nhất trong thôn, với 15.000 cây ớt. Theo anh Phủ, Ớt gió quả nhỏ, có màu xanh đậm, hương vị thơm, giòn, cay dịu. Đây là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, có khả năng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Ớt gió được trồng vào khoảng tháng 2 âm lịch, sau 3 tháng chăm sóc thì cho thu lứa quả đầu tiên. Thời gian thu hoạch loại cây này kéo dài khoảng 6 tháng, với diện tích 0,5 ha, mỗi tuần gia đình anh Phủ thu khoảng 5kg ớt tươi, có tuần thu được 7kg; giá bán dao động từ 250 – 300.000đ/kg, có thời điểm lên đến 500.000đ/kg. Mỗi tuần đi chợ phiên, thay vì đèo hàng bao tải rau đem ra chợ bán, giờ đây gia đình anh Phủ cũng như các gia đình khác trong thôn Bản Mồ chỉ cần một túi nhỏ Ớt gió là có vài trăm nghìn đồng.
Cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 7km, thôn Bản Mồ là nơi trọng điểm trồng Ớt gió của thị trấn Đồng Văn. Những năm trước, đây là một loại cây mọc hoang ở trong rừng, ăn được và có vị cay thoảng qua như một cơn gió, được người dân lấy về trồng quanh nhà làm gia vị. Lúc đầu, chỉ có vài hộ trồng, dần dần thấy hiệu quả, nên nhiều gia đình phát triển loại cây này. Thôn Bản Mồ có 37 hộ gia đình thì có trên 30 hộ trồng Ớt, nhờ cây ớt mà nhiều gia đình nơi đây đã thoát được nghèo và mức sống đang từng được nâng lên, hiện nay thôn còn 3 hộ nghèo. Theo thống kê, tổng diện tích trồng ớt của thị trấn khoảng 4 – 5 ha, tập trung ở các thôn Bản Mồ, Lài Cò và Má Lủ. Năng suất bình quân mỗi ha đạt khoảng 4 tạ/năm, trung bình mỗi ha Ớt gió cho người dân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bởi thế, ngày càng có nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn tận dụng những phần đất của gia đình như tán cây, taluy để trồng ớt, nhà trồng ít thì vài chục cây; nhiều thì vài trăm cây...
Đóng gói sản phẩm Ớt gió tại HTX Thành Công . |
Hiện nay, Ớt gió được HTX Thành Công có địa chỉ tại tổ 7, thị trấn Đồng Văn trực tiếp đăng ký thu mua toàn bộ khi quả còn xanh để chế biến ra các sản phẩm, như: Ớt gió ngâm dấm, Ớt gió xóc muối và Ớt gió gia vị. Sản phẩm được các nhà hàng và khách du lịch rất ưa chuộng. Vừa qua, sản phẩm Ớt gió ngâm dấm của HTX Thành Công đã được Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Đồng chí Mai Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các mặt hàng nông sản địa phương, khuyến khích nông dân chuyển đổi áp dụng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất sản xuất. Cây ớt được thị trấn xác định là cây kinh tế mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, để đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp của thị trấn đạt 45 triệu đồng/ha như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Tuy nhiên, lượng ớt mà người dân sản xuất ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Vì thế, trong những năm tới, cấp ủy, chính quyền thị trấn sẽ phối hợp với các ngành tăng cường công tác tập huấn chuyển giao KHKT, giúp bà con canh tác đạt hiệu quả; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển cây ớt, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích người dân tự ươm cây giống để mở rộng diện tích.
Có thể nói, với những ưu điểm và lợi thế của cây Ớt gió mang lại đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân thôn Đồng Văn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả trên diện tích đất canh tác.
Ớt gió Đồng Văn – Sản phẩm đặc trưng của Cao nguyên đá. |
THANH THỦY
Ý kiến bạn đọc