Bánh Pá Pá của đồng bào Mông ở thị trấn Đồng Văn

13:20, 24/11/2018

BHG - Ẩm thực trên Cao nguyên đá được biết đến với những bát thắng cố nghi ngút khói, hay bát mèn mén thơm lừng. Song it ai biết đồng bào Mông trên mảnh đất địa đầu còn có nghề làm bánh truyền thống từ rất lâu đời. Nghề làm bánh không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng bánh mà đồng bào làm ra được gọi bằng cái tên rất mộc mạc, bánh Pá Pá. Bánh Pá Pá thể hiện một phần văn hóa ẩm thực đặc sắc và cũng mang lại nguồn thu nhập khá, giúp cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.p

Công đoạn đưa bột bánh vào khuôn và hấp chín.
Công đoạn đưa bột bánh vào khuôn và hấp chín.

Năm 2017, Tổ hội nghề nghiệp làm bánh truyền thống thị trấn Đồng Văn được thành lập với 15 thành viên, ở 2 thôn Hấu Đề và Má Tìa đã tạo điều kiện cho bánh truyền thống được quảng bá rộng rãi và phát triển hơn. Bánh Pá Pá có 3 loại chính, làm từ hạt Tam giác mạch, ngô và gạo tẻ. Làm bánh Pá Pá không quá khó, nhưng để tạo ra chiếc bánh đến tay người mua, phải trải qua khá nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều năm. Đầu tiên, nguyên liệu được chọn làm bánh phải đảm bảo ngon và sạch (nguyên liệu có thể là ngô, gạo hoặc hạt Tam giác mạch) rồi đem ngâm nước khoảng 5 - 6 giờ; sau đó nghiền thành bột nước và để bột qua một đêm cho lên men tự nhiên. Chị Vàng Thị Mỷ, Tổ phó Tổ hội nghề nghiệp làm bánh truyền thống cho biết: Bánh khi hấp hoặc nướng cần có độ phồng nhất định, thông thường, người ta sẽ cho bột nở hoặc một số chất phụ gia khác; thường bà con sử dụng cách ngâm bột để lên men tự nhiên vừa đảm bảo bánh chất lượng và vẫn tạo được độ phồng. Sau khi bột được lên men, sẽ đổ vào khuôn và hấp chín. Bánh thường được làm từ tối hôm trước khi đem bán nên chúng ta thường thấy tại các phiên chợ, bánh sẽ được hấp lại hoặc nướng tùy theo sở thích và nhu cầu người mua.

Bánh Pá Pá được đem bán ở các chợ phiên trong huyện như: Chợ Đồng Văn, Sà Phìn, Ma Lé và Lũng Cú… Mỗi phiên chợ, mỗi tổ viên thường bán được từ 100 - 150 chiếc, với giá 5.000 đồng/chiếc; trừ chi phí, có thể lãi từ 200 - 300 nghìn đồng. Để tạo điều kiện cũng như sự thống nhất giữa các thành viên trong tổ, đối với chợ phiên tại các xã, mỗi phiên sẽ lần lượt có 2 thành viên đi bán. Còn tại chợ Đồng Văn, tất cả các thành viên trong tổ viên sẽ cùng tham gia. Như vậy, từ nghề làm bánh Pá Pá, các thành viên trong tổ đều có thêm khoản thu nhập trên 2 triệu đồng mỗi tháng. Cũng theo chị Mỷ, khách trong nước và người dân địa phương rất thích mua bánh Pá Pá làm từ gạo và ngô hơn, còn du khách nước ngoài lại thích hương vị đặc biệt của bánh Pá Pá làm từ hạt Tam giác mạch.

Trao đổi với anh Hò A Dản, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đồng Văn, anh cho biết: Ngoài tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống; nghề làm bánh còn giúp người dân duy trì nghề truyền thống từ xa xưa của đồng bào Mông. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp làm bánh truyền thống, mong muốn sẽ cùng đồng bào giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời mà nghề mang lại. Được biết, Tổ hội làm bánh Pá Pá của thị trấn sẽ tham gia vào phần Lễ hội Ẩm thực trong Lễ hội Hoa Tam giác mạch. Thông qua đó nhằm quảng bá nét văn hóa ẩm thực đặc sắc đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Bảo tồn và phát triển nghề làm bánh truyền thống giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời góp phần gìn giữ nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của dân tộc Mông và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Nếu có dịp ghé thăm các phiên chợ vùng cao Đồng Văn, nhâm nhi bát thắng cố nghi ngút khói hay nhấp ngụm rượu ngô men lá thơm nồng; du khách cũng đừng bỏ qua thưởng thức hương vị riêng của bánh Pá Pá, bánh truyền thống của đồng bào trên Cao nguyên đá.

Bài, ảnh: MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bánh đa xã Yên Thành

BHG - Năng nổ, dám nghĩ, dám làm, chàng trai Bùi Xuân Tiền, sinh năm 1984, quê gốc tỉnh Phú Thọ, lên Yên Thành (Quang Bình) lập nghiệp được 18 năm đã dày công học tập, nghiên cứu và làm chủ kỹ thuật sản xuất bánh đa, phở khô, phở ngũ sắc và đang trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

29/08/2018
Đặc sản chè Bản Vẽ, đậm đà hương vị "đèo Gió, thác Tiên"

BHG - Thôn Bản Vẽ cách trung tâm xã Nà Chì (huyện Xín Mần) khoảng 5 km về phía Tây Bắc, nơi đây trồng và chế biến một loại chè đặc sản, đang từng bước tạo dựng uy tín của riêng mình và được người tiêu dùng đón nhận. Nằm cuối phía Tây rặng Tây Côn Lĩnh và nơi bắt đầu khu rừng đèo Gió, cửa ngõ đến trung tâm huyện Xín Mần; Nơi dòng Nậm Luông (theo tiếng Tày có nghĩa là "dòng suối lớn") bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy qua huyện Bắc Hà (Lào Cai) rồi chảy dọc thôn Bản Vẽ. Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với điều kiện thổ nhưỡng tốt đã ban cho cây chè ở nơi đây hương vị riêng biệt...

28/09/2018
Hà Giang, danh tiếng miền chè Shan - Kỳ cuối: Đi tìm các "cụ" chè Shan khổng lồ

BHG - Nhắc đến Hà Giang, đầu tiên mọi người sẽ nhắc đến miền đất chè. Nếu có niềm đam mê khám phá, ngoài việc được thưởng thức những hương chè riêng, lạ, bạn có thể bắt gặp nhiều điều đặc biệt từ những vùng chè nơi đây. Một trong những điều đặc biệt, đó là bạn có thể tận thấy những cây chè cổ thụ, khổng lồ hàng trăm tuổi, được coi là những di sản sống, biểu tượng cho lịch sử và sự phát triển của vùng chè Shan Hà Giang.

 

27/09/2018
Hữu Vinh - "miệt vườn" trên "Công viên đá"

BHG - "Miệt vườn" – cụm từ chỉ vùng đất phù sa rộng lớn, có nhiều cây ăn quả, dân cư đông đúc và thường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nay, khi đặt chân đến vùng đất Hữu Vinh (Yên Minh), mọi người được đắm mình trong những vườn xoài, vải, dứa, hồng... đan xem nhau, rất thơ mộng. Nằm bên trục Quốc lộ 4C, các thôn Bản Vàng, Khai Hoang Bản Vàng của xã Hữu Vinh đang sở hữu hơn 20 ha cây ăn quả. 

27/08/2018