“Bức tranh quê” đang bừng sáng
HGĐT- Cách đây gần 2 năm, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 04 về Xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Nghị quyết ban hành đã tạo đà cho công cuộc phát triển KT-XH, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn miền núi. Để hiểu rõ hơn về quan điểm chỉ đạo, cách thức triển khai Nghị quyết 04, Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Trưởng BQL Chương trình XDNTM xung quanh vấn đề này.
Thanh niên Hà Giang tích cực hưởng ứng phong trào làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết số 04 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho việc triển khai XDNTM trên địa bàn tỉnh. Đồng chí có thể cho biết khái quát tinh thần của Nghị quyết trên?
Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về XDNTM đưa ra mục tiêu: Đến năm 2015, có 20% số xã (40 xã) đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (NTM), con số này tăng lên 50% vào năm 2020 (theo bộ tiêu chí Quốc gia); hoàn thành quy hoạch 177 xã NTM trong năm năm 2012; phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 1,2 - 1,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo các xã giảm từ 8% - 10%/năm; duy trì 100% xã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 70% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 90% cán bộ xã đạt chuẩn; hàng năm có 80% Đảng bộ và tổ chức đoàn thể xã đạt trong sạch vững mạnh.
Chương trình XDNTM đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, trong khi đó ngân sách địa phương còn khó khăn. Vậy, tỉnh ta có giải pháp gì để khắc phục những hạn chế trong quá trình XDNTM.
Đúng vậy, khi bắt tay vào XDNTM, đặc biệt kết quả rà soát thực trạng NTM trên địa bàn tỉnh cho thấy: Xã đạt tiêu chí NTM rất thấp, có 4 xã đạt 9-10 tiêu chí, 7 xã đạt 5- 6 tiêu chí, 166 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Khắc phục khó khăn đó, tỉnh ta đề ra một số giải pháp cụ thể: UBND tỉnh đã có hướng dẫn về việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình XDNTM; phát động phong trào “Chung sức XDNTM” từ tỉnh đến huyện, xã, thôn nhằm huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia XDNTM, đặc biệt sự đóng góp ngày công, vật chất và hiến đất của nhân dân trong XDNTM. UBND tỉnh cũng ban hành định mức hỗ trợ cho từng nội dung cụ thể, đồng thời tổ chức tuyên truyền để mọi người dân hiểu mục tiêu, lợi ích của XDNTM. Qua đó, người dân nắm được các nội dung hỗ trợ và cùng bàn, tự nguyện đóng góp bằng tiền, ngày công XDNTM.
Và sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 04, bộ mặt nông thôn miền núi đang dần khởi sắc.
Trước hết về mặt nhận thức, cấp ủy, chính quyền các cấp, các thành viên BCĐ từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, tổ chức đoàn thể đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện, tạo được nhiều điểm sáng về XDNTM. Chương trình bước đầu đã có tác động, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, cán bộ đảng viên và nhân dân về XDNTM, về đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân. XDNTM là một chương trình toàn diện, mang tính dân chủ cao và phát huy được trách nhiệm của người dân, của cộng đồng. Quá trình triển khai, nhiều BCĐ cấp huyện, xã đã linh hoạt, sáng tạo, khơi dậy và phát huy tốt nguồn lực của dân, nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp. Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, đến nay các huyện, thành phố đã thành lập được BCĐ, tổ giúp việc NTM, cấp xã thành lập BQL, cấp thôn thành lập Ban giám sát. Đối với công tác quy hoạch, toàn tỉnh đã phê duyệt 50 xã, còn lại 127 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định phê duyệt; 90 xã đã triển khai lập Đề án XDNTM, trong đó có 6 xã đã lập xong đề án và được phê duyệt, 84 xã đang xây dựng đề án. Về xây dựng kết cấu hạ tầng, do nguồn lực đầu tư khó khăn nên tỉnh có cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi - măng thực hiện một số nội dung Nhà nước và nhân dân cùng làm như làm đường liên thôn, liên gia, hệ thống kênh mương nội đồng, công trình vệ sinh hộ gia đình, bể nước, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà... Qua 2 năm thực hiện hỗ trợ xi - măng, toàn tỉnh đã làm được trên 160 km đường giao thông nông thôn các loại; xâyđược 4.383 công trình vệ sinh; 551 bể nước; 3.576 m kênh mương, láng bó nền nhà 1.879 hộ; di dời 8.079 chuồng trại gia súc xa nhà.
Một nội dung tỉnh đặc biệt chú trọng đó là xây dựng các mô hình tăng thu nhập nhằm tạo nguồn nội lực trong dân để đóng góp cho mục tiêu XDNTM.
Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập là nội dung được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các ngành chuyên môn, các huyện, thành phố đã tích cực xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Theo báo cáo tổng hợp, hiện nay các huyện, thành phố đang tập trung triển khai 243 mô hình, đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề cho nông dân. Đến nay, có 1/40 xã đạt tỷ lệ lao động trong độ tuổi theo tiêu chí; 20/40 xã đạt tiêu chí thu nhập, 10/40 xã đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới do Chính phủ ban hành, 9/40 xã đạt nội dung tiêu chí tỷ lệ lao động qua đào tạo; đã chọn được 11 làng để xây dựng làng văn hoá du lịch gắn với NTM.
Năm 2012 sắp kết thúc, việc XDNTM sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?
Từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 60 ngày, thời gian rất gấp, BCĐ, BQL chương trình XDNTM đang dồn toàn lực hoàn thành quy hoạch xã NTM theo đúng tinh thần Nghị quyết 04; chỉ đạo quyết liệt các huyện hoàn thành công tác quy hoạch của các xã còn lại và đề án của 40 xã điểm. Tập trung chỉ đạo xây dựng Việt Lâm (Vị Xuyên) thành xã điểm NTM làm cơ sở rút kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo, phương pháp, cách thức thực hiện; hỗ trợ xi - măng để các địa phương triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; triển khai thực hiện đề án điểm 12 xã của các huyện, thành phố về một số nội dung điểm kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cơ chế chính sách trong thực hiện XDNTM nhằm mục tiêu đến 2014 cơ bản hoàn thành xã NTM...
Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc