Túng Sán phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Chúng tôi vừa có dịp đến Túng Sán, đây là một xã vùng cao, vùng sâu của huyện Hoàng Su Phì có điều kiện khó khăn hơn nhiều so với các xã khác trong huyện về đất đai, khí hậu và tiềm năng lao động.
Một buổi chợ phiên xã Túng Sán.
Do xác định rõ những khó khăn đó, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Túng Sán đã không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo trong sinh hoạt và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế mà các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đặt ra đều đạt và vượt so với nghị quyết. Sản xuất ngày càng phát triển, đời sống nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể thường xuyên được quan tâm xây dựng và củng cố vững mạnh.
Được biết, xã Túng Sán có tổng diện tích tự nhiên là 4.941,79 ha, địa hình khá phức tạp bởi bị chia cắt nhiều do có nhiều khe suối nhỏ, độ dốc lớn, 100% diện tích có độ dốc từ 25 – 30 độ, độ cao trung bình hơn 1.000m so với mực nước biển, do độ cao lớn nên thời tiết khí hậu ở xã Túng Sán rất khắc nghiệt, mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Toàn xã có 578 hộ, 2.811 khẩu với 7 dân tộc: Mông, Cờ Lao, Nùng, Dao, Hán, La Chí, Kinh sinh sống ở 8 thôn bản. Do địa hình phức tạp nên toàn xã chỉ có 940 ha diện tích gieo trồng, trong đó có 146 ha đất trồng lúa, còn lại là đất rừng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lý Xuân Dỉ, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Trong những năm qua, do thực hiện tốt công tác sinh hoạt, phân công trách nhiệm cho từng cán bộ đảng viên nên Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tốt. BCH đã bám sát vào chủ trương của Trung ương, của tỉnh, của huyện và cụ thể hóa thực tế ở địa phương. Hàng năm ra nghị quyết tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi. Vì thế mà đời sống của nhân dân ngày càng một cải thiện, các chỉ tiêu hàng năm đều hoàn thành, sản lượng lương thực hàng năm đều đạt trên 835,1 tấn trở lên . Đến nay lương thực bình quân đầu người đạt 675 kg/người/năm. Ngoài cây lúa, Đảng bộ xã đã chỉ đạo các ngành chức năng vận động bà con nông dân trồng cây ngô, cây đậu tương và các loại cây rau quả khác để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được chú trọng. Đến nay toàn xã có đàn gia súc, gia cầm khá lớn với tổng đàn trâu toàn xã có trên 800 con, đàn bò gần 200 con, đàn dê có trên 1.000 con, đàn lợn 1.167 con, đàn gia cầm các loại gần 5.000 con... Bà con nông dân đã biết chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, vì thế đã từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống. Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đảng bộ xã đã chỉ đạo nhân dân đóng góp ngày công tu sửa các tuyến đường giao thông đi lại trên địa bàn xã. Đến nay 8/8 thôn, bản đã duy tu bảo dưỡng được 14,5 km đường dân sinh, nghiệm thu và đưa vào sử dụng 2 tuyến kênh mương dài 5,6 km, đôn đốc các thôn tu sửa kênh mương để phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 2011, BCH Đảng ủy xã đã họp và ra Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới và xây dựng đề án, phương án thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, tiến hành khảo sát tại 2 thôn, bước đầu đã có 165 hộ đăng ký 3 công trình nhà vệ sinh, đăng ký đổ đường bê tông dài 5,5 km. Cuối năm 2011 đã hoàn thành 70% công việc, đến nay xã vẫn đang tiếp tục chỉ đạo nhân dân triển khai thực hiện các công việc như làm đường bê tông, kênh mương nội đồng, nhà vệ sinh....
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm chú trọng, vì thế mà lĩnh vực giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đã khắc phục được cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học được nâng cao, tỷ lệ trẻ em đến trường đạt từ 98% trở lên. Sự nghiệp y tế từng bước được nâng cao, cơ sở vật chất trang thiết bị đáp ứng đựợc nhu cầu điều trị bệnh cho bệnh nhân, Công tác dân số - KHHGĐ được thực hiện tốt, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em được quan tâm, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em giảm so với mục tiêu đề ra. Các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên hoạt động tốt. Các hoạt động xã hội thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các đối tượng chính sách được quan tâm tốt hơn...
Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Túng Sán đã không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Kinh tế luôn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi ngày một đổi mới. Điện, đường, trường, trạm ngày càng được xây dựng khang trang, số hộ được sử dụng điện thắp sáng ngày một nhiều, một số thôn bản có đường ô tô đến trung tâm. Đạt được những thành tựu đó là do có sự lãnh đạo chặt chẽ sát sao của Đảng bộ xã cộng với sự đồng thuận của nhân dân trong xã. Với những kết quả đó, chắc chắn rằng Túng Sán sẽ từng bước vượt lên khó khăn để xóa đói giảm nghèo.
Ý kiến bạn đọc