Xây dựng khu dân cư biên giới gắn với xây dựng nông thôn mới từ mô hình thôn Ma Lỳ Sán
HGĐT- Cách trung tâm xã 12 km và trung tâm huyện Xín Mần 30 km, Ma Lỳ Sán là một trong những thôn biên giới đặc biệt khó khăn của xã Pà Vầy Sủ cũng như của huyện Xín Mần.
Thôn có 24 hộ, 161 khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trình độ dân trí thấp; đời sống của nhân dân gặp khó khăn, các hộ dân đa số nằm trong diện hộ nghèo.
Thực hiện chủ trương ổn định và nâng cao đời sống đồng bào vùng biên giới gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Xín Mần xác định lấy thôn Ma Lỳ Sán làm điểm xây dựng khu dân cư biên giới gắn với xây dựng NTM với mục tiêu xây dựng thôn đáp ứng tiêu chí NTM, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Để triển khai, huyện đã tiến hành xây dựng Đề án qui hoạch bố trí lại khu dân cư tập trung; trường học; nhà trụ sở thôn và sân hoạt động văn hóa, thể thao của thôn; các hệ thống đường dân sinh, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt với tổng kinh phí của dự án trên 9 tỉ đồng. Trước mắt, giai đoạn một của dự án huyện đã tập trung sửa chữa nâng cấp đường từ xã vào thôn gắn với dự án đường tuần tra biên giới để vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu; san ủi mặt bằng khu dân cư và công trình phúc lợi, hệ thống đường giao thông, xây dựng nhà ở cho dân với tổng số 24 hộ, mỗi hội diện tích nhà xây cấp 4 là 70 m2 và các công trình bếp, chuồng trại chăn nuôi khoảng 40 m2 được phân theo từng khu riêng và có đường đi lại giữa các khu với nhau thuận tiện; xây dựng nhà trụ sở thôn 5 gian với tổng diện tích 100m2; xây điểm trường với 3 phòng học (2 phòng học bậc tiểu học, 1 phòng học mẫu giáo) và nhà ở cho giáo viên; tổng kinh phí giai đoạn một là 3,7 tỉ đồng, được huy động lồng ghép từ các nguồn vốn Đoàn KTQP 314, nguồn vốn di dãn dân biên giới, phòng chống lụt bão, quĩ xóa đói, giảm nghèo, vốn xây dựng NTM, nguồn đóng góp tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên trong huyện, xã (2,4 tỉ); các hộ dân trong thôn tham gia khai thác đá, cát và tự làm bếp, chuồng trại của gia đình tại nơi ở mới. Để tổ chức thực hiện, huyện đã thành lập ban chỉ đạo của huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị đảm nhiệm từng khâu công việc, như: Đội thanh niên tình nguyện tham gia đóng gạch bê tông tại thôn, Đoàn KTQP 314 tham xây dựng nhà ở cho 7 hộ, Ban CHQS huyện xây dựng nhà cho 3 hộ; Công ty TNHH Gia Long là đơn vị chủ lực chính xây dựng nhà cho 14 hộ và hỗ trợ toàn bộ công san ủi mặt bằng, đường cũng như phương tiện máy móc phục vụ cho công trình. Ban chỉ đạo của huyện đã cùng phối hợp với xã, thôn trực tiếp họp với nhân dân trong thôn vận động dân di chuyển nhà về ở cùng một khu tập trung để thuận tiện cho sinh hoạt, học hành của con, em; thống nhất về qui cách xây dựng nhà ở, bếp, chuồng trại...tại nơi ở mới. Đồng thời, huyện thành lập tổ công tác gồm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, y tế, các cơ quan đoàn thể để trực tiếp xuống hướng dẫn giúp đỡ dân xác định cây trồng, vật nuôi và tổ chức sản xuất, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường và củng cố xây dựng các tổ chức đoàn thể ở thôn trong một thời gian đầu. Từ cách làm cụ thể và sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các tổ chức, cơ quan đơn vị từ huyện đến xã và sự đồng thuận của nhân dân, với hơn 4 tháng triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành trên 65% khối lượng công việc: đã san ủi xong mặt bằng, đường trong thôn, hệ thống cấp nước; xây xong 6 nhà, số còn lại đang thi công hoàn thành từ 30 -70% và huyện phấn đấu hoàn thành cơ bản các phần việc để tổ chức khánh thành vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Miền Nam 30. 4 và ngày Quốc tế Lao động 1.5.
Từ cách làm trên của huyện Xín Mần, có thể coi đây là một mô hình tốt cần nhân rộng trong việc xây dựngkhu dân cư biên giới gắn với phong trào xây dựng NTM đối với các huyện và xã biên giới; đã gắn lồng ghép các chương trình trên địa bàn, phát huy các nguồn lực đầu tư có hiệu quả; đặc biệt là việc thực hiện xã hội hóa, huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia; xác định đúng hướng đi, cách làm, lộ trình thời gian thực hiện, tôn trọng và phát huy dân chủ, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Từ dự án xây dựng khu dân cư biên giới gắn với xây dựng NTM thôn Ma Lỳ Sán, có thể rút ra một số kinh nghiệm thực thực tiễn trong quá trình xây dựng NTM ở các thôn trong tỉnh, đó là:
1. Cấp ủy, chính quyền xã, thôn phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng ở từng thôn, để xây dựng đề án cụ thể cho từng thôn, trước hết là những thôn làm điểm. Đề án được phải đáp ứng được những nội dung cơ bản, bao gồm:
- Một là xây dựng được bản đồ qui hoạch không gian với những tiêu chí chính nhưtổng diện tích đất đai và hạ tầng thiết yếu như hệ thống đường, khu dân cư, nhà văn hóa, sân bãi hoạt động văn hóa, thể thao, trường học, khu nghĩa trang nhân dân...
- Hai là trên cơ sở bộ tiêu chí về NTM của tỉnh, xác định tiêu chí cụ thể hóa vào điều kiện, đặc điểm của thôn để xác định những tiêu chí cụ thể đối với từng hộ gia đình. Những tiêu chí do hộ gia đình và thôn, bản cùng thực hiện có sự hỗ trợ của nhà nước như làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn,sân bãi hoạt động văn hóa, thể thao chung của thôn, xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm, láng nền nhà; xây dựng phong trào văn hóa, thể thao gắn với khơi dậy phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, đảm bảo vệ sinh môi trường...
- Ba là xác định lộ trình thời gian, cách thức tổ chức thực hiện; xác định nhu cầu vốn đầu tư cho toàn bộ dự án và phân theo từng giai đoạn thực hiện cụ thể; làm rõ vốn đầu tư của nhà nước, vốn do nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động và huy động từ nguồn xã hội hóa...
- Bốn là Xây dựng tổ chức chi bộ đảng vững mạnh, thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở thôn thông qua việc đầu tàu, gương mẫu của các đồng chí đảng viên; tăng cường công tác kết nạp đảng viên mới. Xây dựng Ban quản lý thôn, Ban công tác mặt trận và tổ chức hội đoàn thể vững mạnh thông qua việc duy trì sinh hoạt, động viên đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng NTM.
Đề án sau khi được xây dựng xong phải được đưa ra cuộc họp của toàn dân trong thôn để thảo luận thống nhất và phải được đa số nhân dân trong thôn biểu quyết nhất trí và các hộ cùng ký cam kết thực hiện.
2. Đối với việc xây dựng đề án tổng thể về xây dựng NTM ở cấp xã cần phải được xây dựng từ đề án của các thôn xây dựng lên gắn với các đề án chi tiết theo từng lĩnh vực, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương để xây dựng cho phù hợp.
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn. Trong quá trình xây dựng cần có bước đi, cách làm phù hợp, linh hoạt, tránh nôn nóng chạy theo thành tích; cần phải xem xét lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước trên địa bàn để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư; đồng thời tranh thủ phát huy nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, của nhân dân cùng tham gia thực hiện. Với quyết tâm chính trị của các cấp ủy Đảng, sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn dân; chúng ta tin tưởng vào sự thành công của phong trào xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh; thực sự đưa tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X về vấn đề Nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc