Quyết tâm hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

09:18, 01/07/2011

HGĐT- Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được triển khai trong phạm vi cả nước, nhằm tạo chuyển biến căn bản bộ mặt nông nghiêp, nông thôn và nông dân. Để thực hiên thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia, Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban quản lý (BQL) chương trình XDNTM mang tính chuyên biêt. Nhằm cung cấp đến độc giả những thông tin liên quan của quá trình XDNTM trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Trưởng BQL Chương trình XDNTM.


Phóng viên (P/v): Hà Giang là một trong những tỉnh sớm thành lập BCĐ, BQL mang tính chuyên biệt về XDNTM, đồng chí có thể cho biết chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trên?

 

Đồng chí (Đ/c) Đỗ Tấn Sơn: Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM là một chương trình tổng thể phát triển KT-XH, chính trị, AN-QP, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được thực hiện theo lộ trình cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo chuyển biến rõ nét, theo hướng nâng cao chất lượng nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Giang nói riêng. Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Hà Giang là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước sớm thành lập BCĐ do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, các phó Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối nông nghiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan; BQL chương trình do Phó Giám đốc Sở NN-PTNT làm Trưởng ban. Các ban này hoạt động mang tính chuyên biệt với chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu, giúp UBND tỉnh về công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình; chủ trì, tham mưu công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư thuộc nội dung XDNTM theo quy định; tổng hợp nhu cầu vốn và phân bổ vốn đầu tư thực hiện chương trình theo phân cấp, đề xuất các giải pháp huy động và quản lý, điều phối nguồn vốn. BQL còn trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án trọng điểm theo quy chế quản lý chương trình XDNTM; chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM...


P/v: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Hà Giang đang tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt chương trình XDNTM, đồng chí có thể cho biết những kết quả đạt được trong thời gian qua?


Đ/c Đỗ Tấn Sơn: Nhằm tạo sự tập trung, thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, BCĐ XDNTM được thành lập từ tỉnh đến cơ sở; các huyện, thành phố thành lập BCĐ, cơ quan thường trực XDNTM, các xã thành lập BQL chương trình XDNTM; UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19 tiêu chí và 49 nội dung chi tiết, tăng 10 nội dung so với T.Ư quy định. Trên cơ sở bộ tiêu chí của tỉnh, đã phân loại cụ thể từng tiêu chí do nhân dân tự làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm và Nhà nước đầu tư 100% để có phương án bố trí nguồn lực, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, huy động nguồn lực cho việc tổ chức thực hiện XDNTM.


Trên cơ sở lựa chọn 3 xã điểm XDNTM gồm Phương Độ (thành phố Hà Giang), Trung Thành (Vị Xuyên) và Vĩnh Phúc (Bắc Quang), UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương quy hoạch, chỉ đạo các huyện, thành phố lựa chọn xã điểm XDNTM để tổ chức thực hiện và nhân rộng. Hiện tại, các địa phương đã lựa chọn và tổ chức triển khai ở 42 xã điểm, hầu hết các xã đang triển khai công tác quy hoạch, đồng thời đang thực hiện các tiêu chí làm đường giao thông liên thôn, liên gia, công trình vệ sinh... Đến nay, toàn tỉnh đã làm mới, nâng cấp 45 km đường liên thôn, trên 10 km đường liên gia, gần 31 km kênh mương, 19 km đường điện hạ thế, 4 nhà mẫu giáo, cấp nước sinh hoạt cho 250 hộ, 9 nhà văn hóa thôn, chỉnh trang 1.500 khuôn viên hộ gia đình, cải tạo 750 vườn hộ, hỗ trợ 1.200 hộ gia đình làm nhà vệ sinh, di chuyển gần 110 chuồng trại gia súc hộ gia đình ra xa nhà. Riêng năm 2011, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch trên 25 tỷ đồng thực hiện XDNTM, trong đó vốn sự nghiệp trên 22 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 3 tỷ đồng, được phân bổ cho các hoạt động quy hoạch, đào tạo cán bộ, tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã điểm; đầu tư cho mỗi xã điểm 500 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện các tiêu chí đã chọn; hỗ trợ mỗi huyện 1 nghìn tấn xi – măng để thực hiện tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm.


P/v: Trong quá trình triển khai XDNTM, có địa phương còn lúng túng, chưa xác định cụ thể mục đích, chưa biết bắt đầu từ đâu, vậy quan điểm của tỉnh trong chỉ đạo XDNTM được xác định như thế nào?


Đ/c Đỗ Tấn Sơn: Đúng vậy, XDNTM là chương trình mới, lần đầu tiên thực hiện trên phạm vi cả nước, chưa có tiền lệ nên thời gian đầu triển khai, ở một số địa phương không tránh khỏi tình trạng lúng túng, chưa xác định cụ thể mục đích và chưa biết bắt đầu từ đâu. Có quan điểm cho rằng, XDNTM với nhiều tiêu chí, nội dung như vậy, phải có kinh phí, thậm chí kinh phí rất lớn mới làm được, tuy nhiên, việc XDNTM rất đơn giản, nó bắt đầu từ những việc cụ thể của từng hộ dân, khi người dân thực sự hiểu, thực sự vào cuộc thì rất dễ thực hiện. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh về XDNTM đó là: Việc nào dễ, chưa cần tiền làm trước; việc nào khó, cần tiền làm sau và việc nào cần ít tiền làm trước, cần nhiều tiền làm sau. Đồng thời, phát huy nội lực của nhân dân là chính, tăng cường vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động XDNTM.


P/v: Để đạt được mục tiêu về XDNTM, thời gian tới, BCĐ, BQL sẽ tập trung vào những công việc gì?


Đ/c Đỗ Tấn Sơn: Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả triển khai XDNTM chính là nhận thức của mọi người về chương trình mục tiêu quốc gia này. Vì vậy, trong suốt quá trình triển khai, cùng với các hoạt động đầu tư, BCĐ, BQL chương trình sẽ tập trung làm tốt công tác tuyền thông, tuyên truyền với nhiều hình thức về XDNTM, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện để toàn xã hội hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước; triển khai Đề án Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với XDNTM”. Đồng thời, tiến hành rà soát, quy hoạch, đánh giá thực trạng nông thôn theo các tiêu chí; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy thực hiện XDNTM; tập trung mọi nguồn lực cho các xã đăng ký XDNTM, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành mục tiêu 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.


Xin cảm ơn đồng chí!


THIÊN THANH (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc