English | Tiếng Việt
Thứ 6, 25/04/2025, 06:47

Quản Bạ khẳng định vị thế vùng sản xuất rau

19:40, 14/04/2025

BHG - Phát huy lợi thế khí hậu, người dân huyện Quản Bạ đang dần khẳng định vị thế là vùng sản xuất rau của tỉnh. Những cánh đồng rau trải dài xanh mướt không chỉ tạo nên bức tranh nông nghiệp sống động giữa núi rừng, mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững nơi cửa ngõ Cao nguyên đá.

Đến xã Quyết Tiến, một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dễ dàng cảm nhận được không khí sản xuất sôi động nơi đây. Dưới ánh nắng, những cánh đồng rau xanh mướt trải dài, tô điểm thêm vẻ trù phú cho vùng cao. Bà con tất bật thu hoạch, chăm sóc từng luống rau, mang đến nguồn nông sản sạch, an toàn cho thị trường. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, nguồn nước dồi dào và đất đai màu mỡ, Quyết Tiến đang khẳng định vai trò là vùng rau trọng điểm của huyện.

Trồng rau bắp cải theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quyết Tiến.
Trồng rau bắp cải theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quyết Tiến.

Chị Lù Thị Mai, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng rau màu cho giá trị kinh tế cao. Chúng tôi canh tác 3 loại rau chính gồm cà chua, dưa chuột và bắp cải trên diện tích 7.000 m2, mỗi năm luân canh 3 vụ. Nhờ đó, tổng doanh thu đạt khoảng 650 triệu đồng/năm; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng. Có được kết quả như vậy là nhờ áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác, đồng thời chủ động liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ ổn định sản phẩm”.

Từ những mô hình hiệu quả như của gia đình chị Mai, xã Quyết Tiến đã hình thành vùng rau tập trung với tổng diện tích 490 ha. Trong đó, diện tích dưa chuột chiếm trên 209 ha, cà chua khoảng 148 ha, còn lại là các loại rau màu khác. Các mô hình này tập trung tại các thôn: Nậm Lương, Dìn Sán, Đông Tinh, Bó Lách, Tân Tiến, Vĩnh Tiến... Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản đều được nâng cao rõ rệt.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến cho biết: “Xã đã thành lập 6 hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn. Chúng tôi phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người dân vay vốn và đồng hành trong quá trình chuyển đổi sản xuất. Năm 2024, sản lượng rau toàn xã đạt hơn 15.325 tấn, ước tính tổng thu nhập trên 76 tỷ đồng. Sản phẩm được tiêu thụ tại các cửa hàng rau an toàn trong tỉnh và hệ thống siêu thị tại Hà Nội”.

Người dân xã Quản Bạ chăm sóc cây rau màu.
Người dân xã Quản Bạ chăm sóc cây rau màu.

Không chỉ riêng Quyết Tiến, nhiều địa phương khác trong huyện cũng tích cực chuyển đổi sản xuất, phát triển vùng rau màu theo hướng hàng hóa. Tại xã Quản Bạ, diện tích trồng rau đạt 10,16 ha, sản lượng hằng năm khoảng 1.200 tấn, giá trị thu hoạch bình quân 70 triệu đồng/ha. Tổng thu nhập từ trồng rau toàn xã đạt trên 700 triệu đồng mỗi năm. Theo thống kê, toàn huyện Quản Bạ hiện có trên 2.598 ha rau, củ, quả các loại, sản lượng gần 72.400 tấn, tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước. Các vùng chuyên canh tập trung chủ yếu tại các xã: Quản Bạ, Quyết Tiến, Đông Hà, Lùng Tám, Tùng Vài, Nghĩa Thuận… tạo nên mạng lưới sản xuất rau an toàn liên hoàn, hiệu quả và bền vững.

Đồng chí Phạm Ngọc Pha, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ nhấn mạnh: “Huyện xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là định hướng trọng tâm. Chúng tôi chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp mở lớp tập huấn kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng như hệ thống tưới tiêu, đường nội đồng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu rau an toàn Quản Bạ. Huyện cũng chủ trương lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển nông nghiệp – nông thôn để hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”.

Việc phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn không chỉ giúp bà con nông dân ổn định thu nhập, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững. Bên cạnh giá trị kinh tế, các mô hình này còn có ý nghĩa thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng cao. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của nhân dân, huyện Quản Bạ đang từng bước xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn, hiệu quả.

Bài, ảnh: Nguyễn Dịu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chè Việt Shan chinh phục thị trường châu Âu
BHG - Trên dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, những cây trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi lặng thầm chắt chiu tinh hoa của đất trời tạo nên hương sắc độc đáo trong từng búp non. Cũng tại đó, anh Triệu Văn Mềnh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Việt Shan, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) vẫn miệt mài gìn giữ tinh hoa trà cổ thụ, thổi hồn cho thứ đặc sản trứ danh của đại ngàn vươn tới trời Âu.
13/04/2025
Mậu Duệ khai thác thế mạnh giống lúa chất lượng cao
BHG - Xác định rõ thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, xã Mậu Duệ (Yên Minh) tập trung mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Qua đó, phát triển kinh tế nông thôn, gia tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
13/04/2025
Từ vườn tạp thành vườn mẫu
BHG - Từ nghị quyết đúng đắn, thấu lòng dân, phong trào cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Đồng Văn đã đạt những kết quả tích cực. Hàng trăm hộ chuyển đổi, cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Điển hình tại xã Tả Phìn, một số vườn mang lại hiệu quả cao, trở thành vườn mẫu cho bà con nông dân trong xã, huyện học tập.
13/04/2025
Chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang - kết nối tinh hoa của núi rừng
BHG - Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc với đa dạng tài nguyên thiên nhiên và phong phú với màu sắc văn hoá truyền thống của 19 dân tộc. Những điều kiện đặc biệt về tự nhiên và thổ nhưỡng đã mang đến cho mảnh đất Hà Giang những sản phẩm nông sản đặc biệt và riêng có.
13/04/2025