Nỗ lực hoàn thành dự án ĐT.177

10:38, 02/04/2025

BHG - Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần (ĐT.177), giai đoạn 1, đoạn Km0-Km55 (điểm đầu tại ngã tư giao với Quốc lộ 2 thuộc địa phận xã Tân Quang (Bắc Quang), điểm cuối tại trung tâm xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) đang được các cấp, ngành tháo gỡ vướng mắc, gấp rút hoàn thành các hạng mục để tạo động lực thúc đẩy kinh tế cho vùng đất “vỏ cây vàng”.

Dự án ĐT.177 là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh thực hiện theo đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch từ huyện Bắc Quang đến huyện Hoàng Su Phì, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho vùng đất phía Tây. Dự án được triển khai mang theo quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; đáp ứng mong mỏi từ lâu của Nhân dân. Dự án ĐT.177 có tổng chiều dài 42,72 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi; tổng mức đầu tư điều chỉnh trên 1.496 tỷ đồng; khởi công tháng 4.2022 do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình tỉnh làm chủ đầu tư. Sau hơn 3 năm triển khai, dự án có lúc ngưng trệ thi công nhưng với nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành liên quan đang giúp tuyến đường dần hoàn thiện, mang đến niềm vui lớn cho người dân địa phương.

Các đoạn sạt lở đang được nhà thầu khẩn trương khắc phục.
Các đoạn sạt lở đang được nhà thầu khẩn trương khắc phục.

Đặc điểm của tuyến cơ bản đi qua khu vực có địa hình vực sâu, vách cao, độ dốc ngang lớn, địa chất phức tạp, dễ sạt lở; nhiều đoạn trắc ngang thiết kế giật nhiều cấp, nền mặt đường hiện hữu nhỏ hẹp, lưu lượng tham gia giao thông lớn, dự án vừa khai thác, vừa thi công mất nhiều thời gian đảm bảo giao thông. Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Phùng Viết Vinh cho biết: Lâu nay, Bắc Quang được xem là “rốn mưa” với lưu lượng mưa hàng năm luôn ở mức cao, thời gian mưa kéo dài, nhất là mùa mưa từ năm 2022 đến năm 2024 gây sạt lở mái taluy nhiều vị trí trên tuyến đường. Diện tích, khối lượng sạt trượt và nguy cơ sạt trượt lớn, phải kiểm đếm, thu hồi bổ sung cây cối, hoa màu, tài sản, vật kiến trúc của các hộ dân và phải di chuyển, bổ sung một số vị trí cột điện 35kV, 0,4 kV… do đó, làm tăng giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, khối lượng đất đá sạt trượt lớn, thời gian nổ phá đá, hót sạt lâu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.

Theo tìm hiểu, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng cao, vượt quá chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính trong tổng mức đầu tư của dự án (tăng 16,1 tỷ đồng) do diện tích đất thổ cư, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu... phát sinh; khối lượng đất, đá sạt lở lớn nên chi phí hót sạt, dọn dẹp hiện trường vượt quá chi phí thuộc phạm vi bảo hiểm công trình. Dự án phải điều chỉnh dự án 3 cầu; phê duyệt điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở nhiều lần cho phù hợp với địa hình, công trình bảo đảm tính an toàn, hiệu quả, khả thi, thuận lợi trong quá trình thi công, khai thác sử dụng sau này nên khối lượng phát sinh, bổ sung tăng 45 tỷ đồng. Trong thời gian thi công, Nhà nước điều chỉnh thay đổi tăng chế độ tiền lương, biến động tăng giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng tại thời điểm thi công so với thời gian lựa chọn nhà thầu, do đó tăng giá trị dự phòng để điều chỉnh giá các gói thầu xây lắp và các chi phí khác (tăng 54,6 tỷ đồng). Vì vậy, dự án vượt tổng mức đầu tư khoảng 115,8 tỷ đồng.

Thi công cầu trên tuyến ĐT.177.
Thi công cầu trên tuyến ĐT.177.

Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình tỉnh Lương Văn Đoàn cho biết: Không lùi bước trước khó khăn, chủ đầu tư đã thường xuyên đôn đốc nhà thầu quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa”, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”; huy động máy móc, thiết bị, nhân công, xây dựng biểu đồ đường găng để đẩy nhanh tiến độ. Hiện, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; thi công hoàn thành 100% nền đường; mặt đường thi công lớp cấp phối đá dăm loại 2 được trên 40,2 km, đạt 99,3%; thi công lớp cấp phối đá dăm loại 1 được 40,1 km, đạt 99,06%; đã thi công bê tông nhựa được 40,67 km, đạt 98,02%. Thi công cống, tường chắn, gia cố mái hoàn thành 100%. Thi công rãnh các loại được 30,6 km, đạt 99,25%; hệ thống an toàn giao thông đang thi công cọc tiêu, cọc H, hộ lan tôn lượn sóng đạt 95%; hạng mục cầu hiện đã hoàn thành 14/17 cầu.

Khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, chủ đầu tư đang tập trung thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các văn bản chỉ đạo của tỉnh; đôn đốc tư vấn thiết kế hoàn thiện hồ sơ, dự toán sạt lở để tổng hợp vào tổng mức đầu tư điều chỉnh trình UBND tỉnh chấp thuận cho chủ trương điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định; giá trị phát sinh, bổ sung ngoài phạm vi trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm được cập nhật vào tổng mức đầu tư để thực hiện dự án. Hoàn thiện việc thương thảo và ký hợp đồng khắc phục tổn thất với các nhà thầu thi công đã triển khai hót sạt, dọn dẹp hiện trường do mưa lũ, gửi đơn vị bảo hiểm công trình tạm ứng kinh phí chi trả cho nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của ngành bảo hiểm.

“Đơn vị đang đôn đốc hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì hoàn thiện lập, phê duyệt phương án và dự toán bồi thường, giải phóng mặt bằng bổ sung đối với các hộ dân, tổ chức, cá nhân có đất, cây trồng, tài sản trên đất và hạ tầng kỹ thuật nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng nay đã bị sạt trượt hoặc có nguy cơ bị sạt trượt do ảnh hưởng của mưa bão và tác động của việc thi công công trình gây ra để báo cáo cấp quyết định đầu tư, tổng hợp vào tổng mức đầu tư điều chỉnh khi được cấp quyết định đầu tư cho phép” - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình tỉnh Lương Văn Đoàn cho biết thêm.

Bài, ảnh: Kim Tiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hồ Thầu giữ rừng xanh, bền vững sinh kế
BHG - Từ bao đời nay, rừng gắn bó với cuộc sống của người dân xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) như một người bạn đồng hành. Rừng giữ nước, giữ đất, giữ môi trường trong lành, còn người dân giữ rừng bằng cả trách nhiệm và tình yêu. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), những giá trị ấy càng được củng cố, giúp rừng thêm xanh, cuộc sống thêm no ấm.
31/03/2025
Tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nguồn lực cho phát triển KT – XH
BHG -  Những năm qua, tỉnh ta luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí (TK,CLP). Ngày 28.12.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2808/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025. Đến nay, tỉnh ta cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Qua đó, với quyết tâm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành TK,CLP trong các lĩnh vực của đời sống.
31/03/2025
Mùa lên nương trên Cao nguyên đá
BHG - Với hơn 80% diện tích tự nhiên là núi đá, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong số vùng đất có điều kiện canh tác nông nghiệp khó khăn nhất cả nước. Tuy nhiên, vào mỗi độ Xuân về, trên những triền đá tai mèo khô cằn, đồng bào các dân tộc lại tất bật lên nương gieo trồng cho vụ mùa mới.
31/03/2025
Hoàng Su Phì phát triển kinh tế vườn hộ
BHG - Thực hiện phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa gắn với Phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện Hoàng Su Phì đã chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp (CTVT), áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế vườn hộ (KTVH). Đây là giải pháp thiết thực không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn giúp phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
31/03/2025