Đạt chuẩn Nông thôn mới - thách thức sau vinh quang: Kỳ 2 - Gian nan giữ danh hiệu

11:16, 04/04/2025

BHG - Danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) là niềm tự hào của nhiều địa phương. Thế nhưng, sau vinh quang ấy, chặng đường giữ chuẩn còn gian nan gấp bội, thậm chí trở thành “gánh nặng” khi không ít xã rơi vào tình trạng tụt giảm tiêu chí, đối diện nguy cơ bị thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM.

Những con số báo động

Vừa qua, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh phối hợp với UBND 11 huyện, thành phố rà soát, đánh giá kết quả duy trì 19 tiêu chí NTM tại các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm 43 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014 – 2020 và 8 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2024.

Do chưa đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, Trường Mầm non Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) chưa thể đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong kỳ tái đánh giá.
Do chưa đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, Trường Mầm non Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) chưa thể đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong kỳ tái đánh giá.

Kết quả, tổng số tiêu chí duy trì đạt chuẩn theo quy định tại 51 xã chỉ còn 791 tiêu chí, thiếu hụt 178 tiêu chí. Đáng lưu ý, chỉ có 5/51 xã duy trì đủ 19/19 tiêu chí NTM gồm: Phương Độ, Phương Thiện, Ngọc Đường (thành phố Hà Giang), Xuân Giang (Quang Bình), Việt Lâm (Vị Xuyên). Những xã còn lại rơi vào cảnh tụt giảm tiêu chí. Cụ thể, 11 xã giữ được 18/19 tiêu chí, 13 xã duy trì 16 – 17 tiêu chí, 18 xã giữ được từ 12 – 15 tiêu chí. Đáng lo ngại hơn, 4 xã chỉ còn giữ được từ 7 – 10 tiêu chí.

Với 15/21 xã được công nhận, Bắc Quang dẫn đầu toàn tỉnh về số xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, khi đối chiếu theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 – 2025, không một xã nào giữ vững toàn bộ 19 tiêu chí. Không chỉ riêng huyện Bắc Quang, hầu hết các địa phương trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các tiêu chí tụt giảm chủ yếu thuộc những lĩnh vực mang tính nền tảng và có tác động trực tiếp đến đời sống người dân (giao thông, điện lưới, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn…) hay các tiêu chí liên quan đến KT-XH (thu nhập, hộ nghèo, nghèo đa chiều…).

Đặc biệt, cơ quan chuyên môn đã tiến hành rà soát, đánh giá đối với 43 xã đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2014 – 2020 để thẩm định, xét thu hồi quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM theo quy định. Cụ thể, có 5 xã thuộc 3 huyện nằm trong diện thu hồi quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM gồm: Phương Tiến (Vị Xuyên), Yên Phong (Bắc Mê) và 3 xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì). Như vậy, với 3/3 xã thuộc diện thu hồi quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, huyện Hoàng Su Phì đối diện nguy cơ “trắng” xã NTM. Trong đó, 2 xã Thông Nguyên, Nậm Ty duy trì được 8 tiêu chí, riêng Hồ Thầu chỉ giữ được 7/19 tiêu chí xã NTM.

Trước đó, vào cuối năm 2015, xã Mậu Duệ đạt chuẩn NTM, vinh dự trở thành địa phương đầu tiên của huyện Yên Minh nói riêng, vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung giành được danh hiệu này. Thế nhưng, chỉ 5 năm sau, xã Mậu Duệ buộc phải gửi đơn đề nghị UBND tỉnh xin rút khỏi danh sách xã NTM, do không thể duy trì được các tiêu chí theo quy định, nhất là tiêu chí về điện và thu nhập. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực tế, ngày 16.7.2021, Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi Quyết định công nhận xã Mậu Duệ đạt chuẩn NTM. Đây không chỉ là sự tiếc nuối mà còn để lại bài học sâu sắc cho các địa phương trong quá trình xây dựng NTM: Đạt chuẩn chỉ là bước khởi đầu, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí mới là yếu tố then chốt để danh xứng với thực, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị: Hiện nay, Hà Giang mới chỉ có 51/175 xã NTM, đạt tỷ lệ 29,1%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 52% của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, 78% của cả nước. Với kết quả này, Hà Giang xếp thứ 12/14 trong vùng và 61/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm thấp nhất cả nước về xây dựng NTM.

Khi thách thức lớn hơn thành tích

Một trong những mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, tại xã Yên Phong (Bắc Mê), việc thực hiện 2 tiêu chí quan trọng nhất là thu nhập và hộ nghèo đối diện không ít thách thức. Theo quy định, đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã phải đạt tối thiểu 45 triệu đồng. Thế nhưng, con số thực tế tại xã Yên Phong chỉ dừng ở mức 30,25 triệu đồng/năm, thấp hơn gần 15 triệu đồng so với yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức báo động khi vẫn còn tới 67,89% hộ nghèo, cao gấp 5,2 lần mức tiêu chuẩn (dưới 13%). Điều này có nghĩa, cứ 10 hộ dân thì có gần 7 hộ thuộc diện nghèo, tạo ra khoảng cách rất lớn so với mục tiêu đạt chuẩn NTM.

Nhiều tuyến đường nội thôn trên địa bàn xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) xuống cấp nhưng thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
Nhiều tuyến đường nội thôn trên địa bàn xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) xuống cấp nhưng thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Chủ tịch UBND xã Yên Phong, Nguyễn Bình Giang chia sẻ: Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Bởi, Yên Phong là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, trong khi lao động địa phương phần lớn chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng nghề nghiệp để chuyển đổi sang các ngành có thu nhập cao hơn. Mặt khác, xây dựng NTM đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn nhưng nguồn lực tại chỗ của Yên Phong còn hạn chế; việc huy động đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách cấp trên. Điều này khiến tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư cũng như cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…

Giao thông được ví như huyết mạch của nền kinh tế, thế nhưng, tại nhiều xã NTM, các nội dung thuộc tiêu chí số 2 về giao thông vẫn chưa thông suốt, trở thành “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển KT-XH. Theo quy định, ít nhất 80% các tuyến đường thôn, liên thôn phải được cứng hóa nhưng thực tế, tỷ lệ này tại xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) mới đạt 51,21%. Toàn xã có 11,59 km đường đã cứng hóa nhưng hiện xuống cấp nghiêm trọng và còn 5,75 km chưa được cứng hóa. Tương tự, nội dung thuộc tiêu chí số 2 về giao thông yêu cầu 100% đường ngõ, xóm sạch sẽ, đi lại thuận tiện quanh năm, trong đó tối thiểu 75% phải được bê tông hóa, cứng hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ này của xã mới đạt 54,59% (tương đương 32,1 km đạt chuẩn trên tổng số 58,8 km). Còn tới 8 km đường xuống cấp nghiêm trọng và 18,7 km chưa được cứng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Chủ tịch UBND xã Nậm Ty, Nguyễn Thế Soạn chia sẻ: Chúng tôi không muốn “rớt chuẩn” nhưng để giữ chuẩn NTM cũng rất gian nan. Hạ tầng giao thông xuống cấp nhưng không có kinh phí bảo trì, thu nhập của người dân bấp bênh, trong khi nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách hạn chế. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa từ Nhân dân để duy tu, nâng cấp các tuyến đường nhưng so với nhu cầu thực tế, những đóng góp ấy chỉ như “muối bỏ bể”. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 38,8 triệu đồng/năm, thấp hơn 6,2 triệu đồng so với chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn ở mức cao, lên tới 40,7%.

Tiêu chí trường học trong xây dựng NTM yêu cầu 100% cơ sở giáo dục phải đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất (CSVC) tối thiểu, trong đó từ 50% trở lên đạt chuẩn CSVC mức độ 1. Tuy nhiên, thiếu phòng học, phòng chức năng, sân chơi cho trẻ em, trang thiết bị giảng dạy không đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn chế… trở thành rào cản khiến các trường học khó duy trì và nâng cao chất lượng theo chuẩn NTM. Đơn cử như Trường TH&THCS Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu này do thiếu hụt phòng học chức năng và trang thiết bị dạy học theo quy định. Trong khi đó, Trường Mầm non Hồ Thầu từng được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2018 nhưng đến năm 2023, khi tái đánh giá để công nhận lại, nhà trường không thể giữ vững danh hiệu này do chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về CSVC.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồ Thầu, Lê Thị Hằng trăn trở: “Việc không giữ vững chuẩn kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập mà còn làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục tốt nhất cho trẻ ngay từ những năm đầu đời. Dù nhà trường luôn nỗ lực nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Nhiều hạng mục như phòng học, phòng làm việc xuống cấp nhưng thiếu kinh phí để sửa chữa, nâng cấp; quỹ đất hạn hẹp khiến việc mở rộng sân chơi không khả thi. Hơn nữa, 85% gia đình trẻ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên việc huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục càng thêm khó khăn”.

Với 178 tiêu chí còn thiếu hụt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại 46/51 xã đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh đang tạo ra khoảng cách lớn giữa chuẩn NTM trên giấy tờ và thực tế đời sống. Điều này đòi hỏi những giải pháp căn cơ, đồng bộ và lâu dài, không chỉ để khắc phục những tiêu chí chưa đạt mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững, đưa chương trình NTM đi vào thực chất, thay đổi diện mạo nông thôn một cách hiệu quả.

-----------

Kỳ cuối: Không để Nông thôn mới… hết mới

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì phát triển kinh tế vườn hộ
BHG - Thực hiện phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa gắn với Phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện Hoàng Su Phì đã chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp (CTVT), áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế vườn hộ (KTVH). Đây là giải pháp thiết thực không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn giúp phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
31/03/2025
Mùa lên nương trên Cao nguyên đá
BHG - Với hơn 80% diện tích tự nhiên là núi đá, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong số vùng đất có điều kiện canh tác nông nghiệp khó khăn nhất cả nước. Tuy nhiên, vào mỗi độ Xuân về, trên những triền đá tai mèo khô cằn, đồng bào các dân tộc lại tất bật lên nương gieo trồng cho vụ mùa mới.
31/03/2025
Tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nguồn lực cho phát triển KT – XH
BHG -  Những năm qua, tỉnh ta luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí (TK,CLP). Ngày 28.12.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2808/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025. Đến nay, tỉnh ta cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Qua đó, với quyết tâm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành TK,CLP trong các lĩnh vực của đời sống.
31/03/2025
Hồ Thầu giữ rừng xanh, bền vững sinh kế
BHG - Từ bao đời nay, rừng gắn bó với cuộc sống của người dân xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) như một người bạn đồng hành. Rừng giữ nước, giữ đất, giữ môi trường trong lành, còn người dân giữ rừng bằng cả trách nhiệm và tình yêu. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), những giá trị ấy càng được củng cố, giúp rừng thêm xanh, cuộc sống thêm no ấm.
31/03/2025