Hồ Thầu giữ rừng xanh, bền vững sinh kế

17:19, 31/03/2025

BHG - Từ bao đời nay, rừng gắn bó với cuộc sống của người dân xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) như một người bạn đồng hành. Rừng giữ nước, giữ đất, giữ môi trường trong lành, còn người dân giữ rừng bằng cả trách nhiệm và tình yêu. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), những giá trị ấy càng được củng cố, giúp rừng thêm xanh, cuộc sống thêm no ấm.

Xã Hồ Thầu hiện là địa phương có diện tích rừng thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR lớn nhất trong toàn huyện, với hơn 2.000 ha rừng được bảo vệ và khai thác bền vững. Chính sách này mang lại nguồn thu ổn định hơn 880 triệu đồng mỗi năm cho người dân. Trong đó, 89,8% diện tích thuộc rừng tự nhiên được hưởng chính sách DVMTR, phần còn lại là rừng sản xuất, tạo sự hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế địa phương.

Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân thôn Chiến Thắng vừa giữ rừng xanh, vừa hưởng lợi từ rừng.
Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân thôn Chiến Thắng vừa giữ rừng xanh, vừa hưởng lợi từ rừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu Triệu Là Pham chia sẻ: Rừng không chỉ là “lá phổi xanh” mà còn là sinh kế bền vững. Nhờ chính sách chi trả DVMTR, người dân dần thay đổi nhận thức về rừng, từ khai thác tài nguyên sang bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị lâu dài. Nếu như trước đây, một số hộ lén lút khai thác gỗ hay đốt nương làm rẫy thì nay chủ động tham gia bảo vệ rừng, xem rừng như tài sản chung cần gìn giữ. Những hộ dân từng dựa vào việc chặt phá rừng mưu sinh nay dựa vào rừng để làm giàu chính đáng.

Hiện nay, xã Hồ Thầu có 416 ha Thảo quả, trong đó 320 ha đã cho thu hoạch, chiếm 76,9% tổng diện tích. Đây là cây trồng chủ lực dưới tán rừng, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ rừng theo hướng phát triển bền vững. Với sản lượng đạt 157 tấn và giá bán bình quân 35 nghìn đồng/kg, cây Thảo quả mang lại nguồn thu gần 5,5 tỷ đồng/năm cho người dân. Bên cạnh đó, toàn xã có 9 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay và 1 Hợp tác xã Du lịch sinh thái Hồ Thầu (thôn Tân Phong). Nhờ những mô hình này, du lịch sinh thái dần trở thành sinh kế bền vững, tạo thêm thu nhập cho người dân; đồng thời, có sự gắn kết chặt chẽ với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị cảnh quan thiên nhiên để thu hút du khách.

Bằng những cách làm sáng tạo và hiệu quả, thôn Chiến Thắng trở thành điểm sáng của xã Hồ Thầu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ áp dụng mô hình quản lý rừng bền vững gắn với lợi ích cộng đồng, thôn đã bảo vệ tốt 705 ha rừng phòng hộ, khai thác hợp lý 300 ha rừng sản xuất, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Trưởng thôn Chiến Thắng, Bàn Tà Chiều cho biết: Hiện nay, toàn bộ 47 hộ đồng bào Dao trong thôn đều được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này luôn được bàn bạc công khai, thống nhất trong cộng đồng, đảm bảo minh bạch, phát huy hiệu quả cao nhất. Các khoản chi được phân bổ hợp lý, từ hỗ trợ tuần tra, bảo vệ rừng, nâng cấp công trình phúc lợi đến phân chia cho các hộ để cải thiện sinh kế. Đây không chỉ là nguồn hỗ trợ quan trọng về kinh tế mà còn tạo động lực để người dân nâng cao ý thức, chủ động hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Theo đó, 47 hộ dân trong thôn đều trở thành thành viên tổ quần chúng bảo vệ rừng. Cả thôn được chia thành 3 tổ (từ 15 – 16 người/tổ), hoạt động thường xuyên. Không chỉ thực hiện tuần tra theo khu vực được phân công, các tổ còn tuần tra chéo để giám sát, đánh giá khách quan kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhau. Chính cách làm sáng tạo này đã giúp nâng cao trách nhiệm của từng thành viên, hạn chế tối đa tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác bảo vệ rừng. Năm 2023, qua công tác tuần tra, các tổ quần chúng bảo vệ rừng kịp thời phát hiện một số hộ dân tự ý phát rừng để trồng mới cây Thảo quả. Trước thực trạng này, thôn đã đề xuất với UBND xã Hồ Thầu cho chủ trương không mở rộng thêm diện tích Thảo quả mà chỉ duy trì diện tích hiện có. Nhờ vậy, diện tích Thảo quả được kiểm soát, tránh tác động tiêu cực đến rừng phòng hộ. Đặc biệt, thông qua công tác tuần tra, bảo vệ rừng, thôn Chiến Thắng chủ động kiến nghị UBND xã triển khai các biện pháp phối hợp bảo vệ rừng với các xã giáp ranh. Điều này không chỉ giúp kiểm soát tình trạng xâm hại rừng mà còn tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn rộng hơn.

Xã Hồ Thầu hôm nay không còn những vùng đất trống, đồi núi trọc mà được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của hơn 5.400 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ lên 72%. Nhưng có lẽ, trân quý hơn chính là sự thay đổi trong tư duy của người dân về bảo vệ và phát triển rừng, như chia sẻ của chị Lý Mùi Cói (thôn Chiến Thắng): “Giữ rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà quan trọng hơn, đó là cách chúng ta trao lại cho con cháu một môi trường sống xanh, an toàn và bền vững”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nguồn lực cho phát triển KT – XH
BHG -  Những năm qua, tỉnh ta luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí (TK,CLP). Ngày 28.12.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2808/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025. Đến nay, tỉnh ta cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Qua đó, với quyết tâm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành TK,CLP trong các lĩnh vực của đời sống.
31/03/2025
Thông quan hàng hóa Cửa khẩu Săm Pun (Việt Nam) - Điền Bồng (Trung Quốc)
BHG - Ngày 31.3, tại xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang phối hợp với Cục Thương vụ châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức lễ thông quan hàng hóa Cửa khẩu Săm Pun (Việt Nam) – Điền Bồng (Trung Quốc). Dự buổi lễ về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang (Việt Nam); lãnh đạo huyện Mèo Vạc cùng ngành chuyên môn; các cơ quan chức năng tại cửa khẩu.
31/03/2025
Hoàng Su Phì phát triển kinh tế vườn hộ
BHG - Thực hiện phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa gắn với Phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện Hoàng Su Phì đã chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp (CTVT), áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế vườn hộ (KTVH). Đây là giải pháp thiết thực không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn giúp phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
31/03/2025
Mùa lên nương trên Cao nguyên đá
BHG - Với hơn 80% diện tích tự nhiên là núi đá, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong số vùng đất có điều kiện canh tác nông nghiệp khó khăn nhất cả nước. Tuy nhiên, vào mỗi độ Xuân về, trên những triền đá tai mèo khô cằn, đồng bào các dân tộc lại tất bật lên nương gieo trồng cho vụ mùa mới.
31/03/2025