Bắc Quang trồng giang thu lợi ích kép
BHG - Không chỉ là cây bản địa, giang còn mang trong mình giá trị kép: Vừa bảo vệ đất, giữ nước, vừa trở thành nguồn thu nhập quan trọng. Nhiều người dân trên địa bàn huyện Bắc Quang gọi đó là “lộc trời”, bởi thiên nhiên ban tặng một loài cây dễ trồng, dễ thích nghi, có giá trị kinh tế cao. Nhưng để biến “lộc trời” ấy thành sinh kế bền vững, cần thêm sự chung tay, định hướng đúng để cây giang thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho các hộ dân.
“Cây giang thuộc phân họ tre, trúc, mọc thành bụi lớn hoặc quần thể dày đặc; có hệ rễ chùm phát triển từ thân ngầm bám chắc vào đất, góp phần hạn chế rửa trôi đất, điều tiết nguồn sinh thủy, đảm bảo sự ổn định của các dòng nước mặt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ngoài ra, giang còn cung cấp lá và măng – những sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Trong đó, lá giang có chiều dài khoảng 35-40 cm, rộng 7-12 cm, viền sắc và đầu lá nhọn. Đặc biệt, lá giang xanh quanh năm, nhiều tầng lá, có độ che phủ rất cao, giúp giữ ẩm cho đất và chống xói mòn” - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Quang Phạm Xuân Tiến cho biết.
![]() |
Trồng cây lá giang giúp nhiều hộ dân xã Vĩnh Hảo nâng cao thu nhập. |
Cây giang sinh trưởng nhanh, thích nghi tốt với nhiều điều kiện lập địa, nhất là ở vùng ẩm và mưa nhiều. Thế nhưng, sau 40 - 45 năm, cây giang bước vào chu kỳ chết khuy, khó có thể cho thu hoạch lá trong tự nhiên. Bởi vậy, những năm gần đây, nhiều hộ dân và hợp tác xã đã đầu tư trồng giang theo hình thức liên doanh, liên kết hoặc tự bỏ vốn. Anh Phạm Quang Huyên (xã Vĩnh Hảo) chia sẻ: “Đầu năm 2023, gia đình tôi bắt đầu trồng 4 ha cây giang; sau 12 tháng cho thu hoạch lứa lá đầu tiên. Tiếp đó, cứ khoảng 3 tháng thu hoạch một đợt mới. Tôi thấy ưu điểm lớn nhất của cây giang là dễ trồng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc; chỉ cần theo dõi sự phát triển của cây, cắt tỉa và thu hái lá theo chu kỳ, không phải lo lắng về sâu bệnh hại hay thời tiết khắc nghiệt như nhiều loại cây trồng khác”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Quang có gần 630 ha cây giang từ 1-3 năm tuổi trồng tập trung và gần 170 ha trồng phân tán dưới tán rừng trồng, khe nước, xung quanh nhà, vườn rừng. Sản lượng bình quân từ 1,3-1,5 tấn lá tươi/ha/năm, giá bán dao động từ 15 – 22 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Lá giang không chỉ mang đến hương vị chua thanh tự nhiên, giúp món ăn thêm đậm đà mà còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, thanh nhiệt và tăng cường sức khỏe. Nhờ những lợi ích này, lá giang được thị trường Trung Quốc, Đài Loan đánh giá cao, kéo theo nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Hiện, toàn huyện có 9 cơ sở sản xuất, chế biến, mỗi ngày thu mua và sơ chế trung bình 150 tấn lá giang. Anh Trần Mạnh Cường, chủ Cơ sở sản xuất lá giang Mạnh Cường (xã Quang Minh) chia sẻ: Mỗi năm, chúng tôi thu mua trên 2.000 tấn lá giang tươi cho bà con trong và ngoài tỉnh (với giá 18 nghìn đồng/kg) rồi phân loại, sơ chế, bảo quản để đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với 1 kg lá giang khô có giá bán 42 nghìn đồng (tương đương 2,2 kg lá tươi) không chỉ giúp cơ sở thu tiền tỷ mỗi năm mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Vườn ươm của gia đình anh Giàng Seo Sàng, xã Hữu Sản đã trở thành địa chỉ cung cấp cây giang giống uy tín cho người dân |
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về cây giang giống, năm 2022, gia đình anh Giàng Seo Sàng, thôn Thượng Nguồn, xã Hữu Sản bắt đầu ươm giống với quy mô hơn 23.000 bầu mỗi năm. Anh Sàng cho biết: “Quy trình chọn giống được thực hiện kỹ lưỡng, tôi đã vào tận rừng già, tìm cây giang ra hoa để lấy hạt, sau đó đem về gieo. Khi cây con cao khoảng 5 cm, tôi tiếp tục lựa chọn những cây khỏe mạnh nhất để đưa vào bầu ươm nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi xuất vườn. Nhờ uy tín và chất lượng cây giống đảm bảo, thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến tận vườn thu mua với giá từ 5 - 7 nghìn đồng/bầu, còn hạt giống được bán với giá 2 triệu đồng/kg mở ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi”.
Cây giang đang từng bước khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, việc trồng cây giang còn mang tính tự phát; thiếu cơ chế, chính sách, định hướng về nội dung bao tiêu sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp uy tín bao tiêu sản phẩm theo hướng ổn định, bền vững; giá cả thiếu ổn định, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Đài Loan trong khi thị trường trong nước ít sử dụng. Mặt khác, đơn giá cây con tương đối cao do phụ thuộc nguồn hạt giống thu hái từ tự nhiên…
Để phát huy tối đa tiềm năng của cây giang, cần có chiến lược bài bản từ hoạch định chính sách, quy hoạch vùng trồng đến liên kết “4 nhà” nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, trọng tâm là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nhân giống, nâng cao chất lượng chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giúp người dân trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập mà còn có thể đưa sản phẩm lá giang vươn xa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc