Nông nghiệp giữ vững vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế

15:07, 14/01/2025

BHG - Mặc dù có trên 8 nghìn ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ, thiên tai trong năm 2024 nhưng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tập trung vào các sản phẩm chủ lực, bảo đảm khung thời vụ, sẵn sàng phương án phòng, trừ bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi và ứng phó biến đổi khí hậu nên ngành Nông nghiệp vẫn giữ vững vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế của tỉnh.

Quả ngọt năm bứt phá

Năm 2024 được ngành Nông nghiệp xác định là năm tăng tốc, bứt phá và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, do đó ngành kiên trì chỉ đạo sản xuất, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ chiều rộng sang chiều sâu, tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với mục tiêu cốt lõi nâng cao thu nhập cho người dân.

Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại giúp các sản phẩm của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại giúp các sản phẩm của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với đặc thù là tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp, có tới 86% cư dân sống ở nông thôn, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên để giúp đỡ những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ngành Nông nghiệp tăng cường xuống cơ sở kiểm tra sản xuất để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ cho cơ sở. Do đó, có 4/4 chỉ tiêu UBND tỉnh giao đều được ngành thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha canh tác ước đạt 63 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với năm 2023; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 36,14%, so với năm 2023 tăng 3,34%; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 59,3%, tăng 0,4% so với năm 2023; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 96,19%, so với năm 2023 tăng 2,61%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 ước đạt trên 16,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,48% so với cùng kỳ năm 2023.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc xuất hiện ở quy mô hẹp, được kịp thời bao vây, khống chế, không để lây lan ra diện rộng; một số dịch bệnh không tái phát trở lại; không để tình trạng gia súc chết do đói, rét; bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam Sành cơ bản đã có giải pháp khống chế; tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp có chiều hướng giảm so với năm 2023, không tái phát sinh các điểm nóng. Các địa phương chủ động chuyển đổi 58,53 ha đất lúa không chủ động nước sang trồng ngô, lạc, rau đậu để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Hiện toàn tỉnh có 197 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sản phẩm 4 sao; 2 sản phẩm trà xanh hộp 100 gam, hồng trà hộp 100 gam của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lại sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Đứng trước những thách thức về giá thành sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp còn cao; nguyên liệu đầu vào chưa chủ động; mức độ ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong khâu chăm sóc và thu hoạch, chế biến còn thấp. Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh chưa phát triển mạnh nên việc tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của các hộ chưa được nhiều. Việc xác định các chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn lúng túng, chưa chặt chẽ; sản phẩm nông nghiệp tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao; ít doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi giá trị… ngành Nông nghiệp đang triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, quyết tâm giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bước sang năm 2025, với sự quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Nông nghiệp phấn đấu ổn định tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 41,8 vạn tấn; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 63,5 triệu đồng; duy trì ổn định tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp đạt 35%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%; duy trì ổn định tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,2%.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Nhị Sơn cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu, ngành tập trung quyết liệt chỉ đạo khung thời vụ khép kín; định hướng về cơ cấu giống cây trồng cho các địa phương; hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu để các huyện chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh thâm canh, đưa giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đổi mới hoạt động khuyến nông, khuyến lâm. Chủ động, bám sát đồng ruộng, dự báo sâu bệnh hại để hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng trừ; mở rộng diện tích các cây trồng sản xuất theo hướng sản xuất sạch, an toàn; triển khai các chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, có sản lượng lớn và có thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, phát triển đàn vật nuôi theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; quản lý, khai thác chỉ dẫn địa lý các sản phẩm tiêu biểu. Đồng bộ các phương án, dự án về bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao năng lực quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt sau đầu tư; làm tốt công tác phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Năm 2025, ngành sẽ quyết liệt triển khai các chương trình trọng tâm của tỉnh, nhất là nâng cao chất lượng rà soát các sản phẩm OCOP; hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành. Rà soát cải cách các thủ tục hành chính để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kiểm tra chuyên ngành thường xuyên về kinh doanh giống, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở sản xuất để kịp thời để uốn nắn, hướng dẫn đơn vị kinh doanh, sản xuất đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Nhị Sơn khẳng định.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì đẩy mạnh phát triển cây mận Máu bản địa
BHG - Mận Máu là sản phẩm nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì, chỉ đứng sau cây chè Shan tuyết, là cây trồng thế mạnh của các xã phía Bắc của huyện. Với giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cây mận Máu đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần giảm nghèo cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện.
31/12/2024
Thàng Tín đẩy mạnh sản xuất vụ Đông
BHG - Những năm gần đây, sản xuất vụ Đông đã trở thành một trong những vụ sản xuất chính trên địa bàn xã biên giới Thàng Tín (Hoàng Su Phì) góp phần tăng hệ số sử dụng đất, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Mùa nào thức nấy, bà con nông dân xã Thàng Tín đã quay vòng, gối vụ sản xuất với phương châm không để “đất nghỉ”. Diện tích cây trồng vụ Đông được mở rộng hằng năm đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể.
14/01/2025
Nâng tầm trà Shan Việt
BHG - Sau gần 6 năm hoạt động, Hợp tác xã (HTX) chè Minh Quang, xã Xuân Minh (Quang Bình) giờ đã trở thành một thương hiệu trà có tiếng. Không chỉ cung cấp ra thị trường các dòng trà chất lượng cao, phù hợp với nhiều phân khúc người dùng, tất cả các sản phẩm trà của HTX đều được sản xuất và đóng gói theo tiêu chuẩn HACCP về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
14/01/2025
Điểm sáng về sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế
BHG - Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng bộ xã Vĩ Thượng (Quang Bình) còn chú trọng lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 57 triệu đồng/người.
13/01/2025