Hoàng Su Phì đa dạng sinh kế trong giảm nghèo

06:30, 04/01/2025

BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã có nhiều cách làm sáng tạo, tập trung vào phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với lợi thế của địa phương, đồng thời khơi dậy nội lực của nhân dân. Từ đó góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, hình thành các nhóm liên kết, giảm nghèo bền vững.

Năm nay gia đình bà Ly Thị Đích, thôn Cốc Mưi Hạ, xã Pố Lồ và 6 hộ gia đình khác trong nhóm liên kết trồng dâu tây đã được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng để mua thêm cây giống, mở rộng diện tích trồng. Nhờ đó tổng số cây dâu tây năm 2024 của gia đình bà Đích đã tăng lên 5.000 cây, sau khi trừ các khoản chi phí mang lại nguồn thu trên 80 triệu đồng. Không những thế, khi tham gia vào nhóm liên kết, bà còn được tập huấn, thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Cũng nhờ đó mà mô hình giảm nghèo được triển khai một cách bền vững hơn.

Gia đình bà Ly Thị Đích, thôn Cốc Mưi Hạ, xã Pố Lồ thu hoạch dâu tây.
Gia đình bà Ly Thị Đích, thôn Cốc Mưi Hạ, xã Pố Lồ thu hoạch dâu tây. Ảnh: Văn Và

Bà Ly Thị Đích, cho biết: Mới đầu, gia đình tôi chỉ trồng mấy trăm gốc dâu tây xen với các loại cây ăn quả khác tại mảnh vườn cạnh nhà. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, vườn dâu tây của gia đình tôi đã cho thu hoạch, bán được giá cao, năm nay gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích trồng, tạo chuỗi liên kết nhóm, đến thời điểm này, ngày nào cũng có quả bán, nhiều khách còn đến tận vườn mua với giá từ 150 - 200 nghìn đồng/kg.

Còn tại xã Sán Sả Hồ, năm 2024 gia đình anh Hoàng Xuân Viên ở thôn Cóc Cọc cũng tham gia nhóm liên kết nuôi lợn đen thương phẩm và được xã hỗ trợ 19 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ, anh Viên mua 16 con lợn giống về nuôi, ngoài ra anh còn tự bỏ vốn để xây dựng chuồng trại kiên cố. Sau 4 tháng đàn lợn của gia đình anh Viên đang sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, bước đầu đã xuất chuồng được 3 con, thu về 10 triệu đồng. Anh Viên chia sẻ: Từ khi tham gia nhóm liên kết trong phát triển mô hình giảm nghèo, không chỉ giúp gia đình tôi mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời việc chăm sóc đàn lợn cũng được thực hiện hiệu quả hơn so với trước đây, vì vậy trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân rộng, tập trung vào sản xuất chăn nuôi, tìm đầu ra sản phẩm để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết nhằm giúp người xoá đói giảm nghèo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết nhằm giúp người dân xoá đói giảm nghèo. Ảnh: PV

Thực hiện dự án 3 Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, trong năm 2024 huyện Hoàng Su Phì được phân bổ trên 26,3 tỷ đồng để thực hiện các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, ngay từ đầu năm UBND huyện đã giao kinh phí cho từng xã, thị trấn. Xác định các cây, con chủ lực để tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Công tác tuyên truyền, khơi dậy nội lực của nhân dân cũng được huyện quan tâm.

Đồng chí Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ, đến nay huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện được 35 dự án do cộng đồng đề xuất. Trong đó tập trung vào các nhóm chăn nuôi trâu, bò, dê, ngựa, lợn đen và các cây trồng như Dâu tây, mận Máu và lê. Kết quả, đến nay toàn huyện đã giải ngân được gần 21 tỷ đồng, đạt 80% tổng nguồn vốn được giao. Thông qua đó đã giúp cho trên 7.700 hộ dân thoát nghèo trong năm 2024.

Văn Và (Hoàng Su Phì)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đổi thay vùng biên Tả Ván
BHG - Những năm gần đây, diện mạo xã biên giới Tả Ván (Quản Bạ) ngày càng khởi sắc, những con đường được nâng cấp, trải nhựa, nhiều ngôi nhà mới khang trang, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng... tạo dựng nên một bức tranh vùng quê thanh bình.
31/12/2024
Hoàng Su Phì đẩy mạnh phát triển cây mận Máu bản địa
BHG - Mận Máu là sản phẩm nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì, chỉ đứng sau cây chè Shan tuyết, là cây trồng thế mạnh của các xã phía Bắc của huyện. Với giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cây mận Máu đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần giảm nghèo cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện.
31/12/2024
Từ bảo tồn giống bản địa đến xây dựng chuỗi giá trị bền vững
BHG - Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, các chương trình chuyển giao KHKT đang mang lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững theo chuỗi giá trị và nâng cao đời sống nông dân.
30/12/2024
Đồng hành cùng tiểu thương kinh doanh bền vững
BHG - Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán luôn là thời điểm sôi động nhất đối với các tiểu thương kinh doanh buôn bán và cung cấp dịch vụ. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, quà tặng và đồ trang trí. Các tiểu thương không chỉ tất bật chuẩn bị hàng hóa mà còn phải đối mặt với áp lực về vốn và quản lý tài chính. Để nhập hàng số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt, nhiều tiểu thương cần huy động thêm vốn, thường thông qua các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng. Việc xoay vòng vốn nhanh và quản lý dòng tiền hiệu quả trong giai đoạn này là yếu tố then chốt để tránh tình trạng thiếu nguồn vốn.
29/12/2024