Bắc Mê nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều

15:50, 02/01/2025

BHG - Xác định chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, huyện Bắc Mê thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo động lực cho các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chị Mua Thị Chá, thôn Phiêng Xa, xã Yên Phong chăm sóc đàn bò của gia đình.
Chị Mua Thị Chá, thôn Phiêng Xa, xã Yên Phong chăm sóc đàn bò của gia đình.

Năm 2024, huyện Bắc Mê được phân bổ tổng nguồn vốn thực hiện chương trình trên 206.570 triệu đồng, trong đó: Kế hoạch vốn năm 2023 chuyển nguồn sang trên 58.730 triệu đồng; kế hoạch vốn năm 2024 là 147.840 triệu đồng. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Bắc Mê tăng cường sự lãnh đạo; tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản của T.Ư, của tỉnh, của huyện; chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các dự án giảm nghèo cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện theo các mô hình tổ chức sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư phù hợp với thế mạnh, lợi thế của địa phương; kết nối, trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm thông qua xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Chị Mua Thị Chá, thôn Phiêng Xa, xã Yên Phong chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò sinh sản có giá trị gần 20 triệu đồng; trước khi nhận được bò gia đình tôi được cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống hướng dẫn cách làm chuồng trại, quy trình kỹ thuật chăm sóc; do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên con bò đã đẻ được một con bê; gia đình tôi rất vui, đây sẽ là hướng giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo huyện Bắc Mê kiểm tra các mô hình sản xuất cộng đồng tại thị trấn Yên Phú.
Lãnh đạo huyện Bắc Mê kiểm tra các mô hình sản xuất cộng đồng tại thị trấn Yên Phú.

Đồng chí Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, cho biết: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã được cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư thực hiện. Từ chương trình hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu được đầu tư đồng bộ, hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai sâu rộng tới đông đảo các tầng lớp Nhân dân, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; các chính sách hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm được đẩy mạnh đã giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều người dân; các chính sách an ninh xã hội được quan tâm và thực hiện kịp thời... Qua đó, thực sự là động lực to lớn giúp hộ nghèo vươn lên, hạn chế tình trạng tái nghèo. Kết quả năm 2024, số hộ nghèo giảm được 359 hộ; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 59,14% xuống còn 56,42%. Việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững góp phần từng bước thực hiện hoàn thành tiêu chí xây dựng huyện thoát nghèo và hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã, thôn Nông thôn mới cũng như thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì đẩy mạnh phát triển cây mận Máu bản địa
BHG - Mận Máu là sản phẩm nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì, chỉ đứng sau cây chè Shan tuyết, là cây trồng thế mạnh của các xã phía Bắc của huyện. Với giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cây mận Máu đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần giảm nghèo cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện.
31/12/2024
Đổi thay vùng biên Tả Ván
BHG - Những năm gần đây, diện mạo xã biên giới Tả Ván (Quản Bạ) ngày càng khởi sắc, những con đường được nâng cấp, trải nhựa, nhiều ngôi nhà mới khang trang, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng... tạo dựng nên một bức tranh vùng quê thanh bình.
31/12/2024
Từ bảo tồn giống bản địa đến xây dựng chuỗi giá trị bền vững
BHG - Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, các chương trình chuyển giao KHKT đang mang lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững theo chuỗi giá trị và nâng cao đời sống nông dân.
30/12/2024
Đồng hành cùng tiểu thương kinh doanh bền vững
BHG - Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán luôn là thời điểm sôi động nhất đối với các tiểu thương kinh doanh buôn bán và cung cấp dịch vụ. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, quà tặng và đồ trang trí. Các tiểu thương không chỉ tất bật chuẩn bị hàng hóa mà còn phải đối mặt với áp lực về vốn và quản lý tài chính. Để nhập hàng số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt, nhiều tiểu thương cần huy động thêm vốn, thường thông qua các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng. Việc xoay vòng vốn nhanh và quản lý dòng tiền hiệu quả trong giai đoạn này là yếu tố then chốt để tránh tình trạng thiếu nguồn vốn.
29/12/2024