Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các dự án chuỗi giá trị

20:49, 15/12/2024

BHG - Trong giai đoạn 2021-2024, huyện Xín Mần đã triển khai 16 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Đây được xem là bước tiến lớn trong nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống người dân và thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp địa phương. Thành công này cũng minh chứng cho hiệu quả từ Chương trình số 15-Ctr/HU của Đảng bộ huyện Xín Mần về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025.

Theo đồng chí Cháng Văn Kinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xín Mần, các dự án tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như cá nước lạnh, chè Shan Tuyết, lợn đen bản địa, dê Boer lai và củ gừng trâu. Nhiều dự án đã mang lại kết quả tích cực. Điển hình, dự án nuôi cá nước lạnh tại xã Nấm Dẩn với sự tham gia của 10 hộ dân đã đạt sản lượng 20 tấn, mang lại lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng. Vùng nguyên liệu chè Shan Tuyết tại xã Nà Chì cũng đạt sản lượng trung bình 160 tấn mỗi năm với sự tham gia của 107 hộ dân, doanh thu hơn 2,4 tỷ đồng. Các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật canh tác, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Dự án chăn nuôi lợn đen địa phương tại xã Nà Chì đã tạo công ăn việc làm cho 25 hộ dân và mang lại lợi nhuận hơn 3,6 tỷ đồng.

Chuỗi giá trị liên kết củ gừng châu xã Nàn Ma mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân
Chuỗi giá trị liên kết củ gừng châu xã Nàn Ma mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân

Trang trại cá Tầm của HTX Đại An, xã Nấm Dẩn, đã đi vào hoạt động gần 2 năm và trở thành một trong những trang trại nuôi cá nước lạnh lớn nhất tại huyện Xín Mần, với 18 bể nuôi. Ông Vũ Thiện Ngữ, Phó Giám đốc HTX, cho biết sản lượng cá Tầm hiện tại mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thị trường. Sản phẩm cá Tầm khi đến thời kỳ thu hoạch đều được thương lái từ các chợ đầu mối tại Lào Cai, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thu mua theo hình thức liên kết. Sau khi trừ chi phí, HTX thu về trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, HTX còn cung cấp con giống và thức ăn cho 10 hộ dân trên địa bàn xã để mở rộng quy mô, góp phần giúp bà con cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng đạt được kết quả như mong đợi. Dự án nuôi dê Boer tại xã Cốc Rế và Nấm Dẩn gặp khó khăn lớn do dịch bệnh và ý thức chăm sóc vật nuôi của người dân chưa cao, dẫn đến tỷ lệ tử vong lớn.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tiến độ giải ngân tại các dự án vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Tính đến nay, tổng kinh phí giải ngân mới đạt 43,2% so với kế hoạch. Một số dự án thậm chí phải dừng triển khai do sai phạm, như dự án chăn nuôi lợn mán bản địa tại xã Nà Chì với vốn hỗ trợ 3 tỷ đồng. Hồ sơ của dự án này đã được chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Chuỗi giá trị củ cải xã Xín Mần được liên kết với Công ty TNHH Việt Nam Misaki và Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp Xín Mần giúp người dân bao tiêu đầu ra sản phẩm
Chuỗi giá trị củ cải xã Xín Mần được liên kết với Công ty TNHH Việt Nam Misaki và Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp Xín Mần giúp người dân bao tiêu đầu ra sản phẩm

Ngoài ra, việc quản lý đất đai, tập trung vùng nguyên liệu và nhận thức của người dân về mô hình liên kết chuỗi giá trị vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tâm lý trông chờ vào hỗ trợ từ Nhà nước của một bộ phận người dân đã ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất tập trung và đổi mới phương thức canh tác.

Trước những hạn chế nêu trên, huyện Xín Mần đang tập trung tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và nâng cao năng lực quản lý dự án. Các hợp tác xã chủ trì được yêu cầu đẩy mạnh liên kết thị trường, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến. Đồng thời, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả kinh tế từ mô hình chuỗi giá trị, từ đó nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Những kết quả đạt được từ các dự án chuỗi giá trị không chỉ là nỗ lực lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Xín Mần. Với định hướng chiến lược và sự đồng hành của các cấp chính quyền, hợp tác xã và doanh nghiệp, huyện kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hồng Cừ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả nuôi bò sinh sản thôn Phiêng Xa
BHG - Thôn Phiêng Xa, xã Yên Phong (Bắc Mê) là thôn khó khăn, toàn thôn có 15 hộ đồng bào Mông. Nhằm tạo sinh kế, việc làm cho người dân, huyện Bắc Mê triển khai Dự án nuôi bò sinh sản trên địa bàn thôn thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua thời gian ngắn thực hiện, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong thôn.
15/12/2024
Tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2024
BHG - Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Nhị Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT; đại điện Văn phòng UBND tỉnh; Công an tỉnh; các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
14/12/2024
Hành trình xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu ở Phương Thiện
BHG - Năm 2024 sắp qua, cũng là lúc xã Phương Thiện ghi dấu ấn quan trọng khi trở thành xã đầu tiên trong tỉnh đạt Nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Đây không chỉ là niềm tự hào, thành quả này còn thể hiện sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn xã trong suốt hành trình xây dựng NTM, mang đến sự đổi mới và phát triển của vùng đất cỬa ngõ thành phố Hà Giang.
13/12/2024
Bứt tốc giải ngân vốn đầu tư công
BHG - Với quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, các nhà thầu thi công đã, đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm việc "3 ca, 4 kíp" trên công trường. Đặc biệt, việc hưởng ứng đợt thi đua 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công đã tạo hiệu quả rõ nét.
13/12/2024