Nông dân Dương Văn Quyết làm giàu từ mô hình trồng nấm sò

20:57, 22/12/2024

BHG -  Khởi nghiệp với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng và vượt qua bao khó khăn, thử thách, nông dân Dương Văn Quyết, thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên (Quang Bình) đã xây dựng thành công cơ sở sản xuất nấm sò quy mô lớn, với thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khoảng 10 năm trước, khi còn làm công nhân ở Hà Nội, anh Dương Văn Quyết được đi đến nhiều nơi, tiếp cận với những mô hình kinh tế giỏi của người nông dân. Trong một lần tham quan thực tế, anh biết đến mô hình trồng nấm sò và nhận thấy rằng nghề này có triển vọng phát triển bởi tận dụng được nguồn rơm rạ trên đồng ruộng, vốn đầu tư cũng không quá cao, phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân. Nói đi đôi với làm, anh đã quyết định theo học một khóa trồng nấm tại Viện Di truyền Nông nghiệp (Hà Nội) để lấy kiến thức khởi nghiệp. Sau khóa học, anh quay trở về quê hương và bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Dù đồng vốn không nhiều, song anh đã quyết tâm trồng thử nghiệm 1.000 bịch nấm sò. Lúc đầu, anh làm thủ công, tự sản xuất phôi nấm, rồi cải tiến dần dần các công đoạn trồng nấm.

Lãnh đạo xã Tiên Yên (Quang Bình) tham quan mô hình trồng nấm sò của anh Dương Văn Quyết.
Lãnh đạo xã Tiên Yên (Quang Bình) tham quan mô hình trồng nấm sò của anh Dương Văn Quyết.

Anh Dương Văn Quyết chia sẻ: “Cũng như bao người mới bắt đầu khởi nghiệp, tôi đã gặp không ít khó khăn do những lần thất bại trong khâu ủ nguyên liệu và làm phôi nấm. Sau mỗi lần như vậy, tôi phải rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục cải tiến quy trình kỹ thuật trồng nấm. Theo anh, nghề trồng nấm sò tuy không quá khó nhưng cần tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu. Nguồn nguyên liệu chính là rơm rạ, mùn cưa hoặc cây ngô cần được xử lý, diệt khuẩn. Để sợi nấm phát triển trong các túi phôi thì độ ẩm phải đạt 75 - 80%. Nhà trồng nấm cần thông thoáng phía trên, phủ kín phía dưới, luôn giữ độ ẩm cao và các bịch nấm tưới nước đều đặn 2 - 3 lần/ngày nhưng tránh để nước đọng vào túi. Nếu chăm sóc tốt, mỗi bịch nấm có thể cho thu hoạch 2 - 3 tháng. Phế phẩm sau thu hoạch tái sử dụng làm phân bón, góp phần tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường”.

Từ làm nghề thủ công, giờ đây anh Quyết đã đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại, hệ thống băng tải để băm, trộn nguyên liệu sản xuất nấm sò. Trong 8 khu nhà với tổng diện tích đạt 2.000 m2, anh đã treo 60.000 - 70.000 bịch nấm. Vào mùa này, nấm sò được thu hoạch liên tục, giá bán cho các thương lái đạt 30.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn cung cấp khoảng 10.000 bịch nấm giống cho người dân các khu vực lân cận. Trừ các khoản chi phí, nghề trồng nấm sò đem lại cho gia đình anh mức thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm. Bằng sự chịu thương, chịu khó, chắt chiu với nghề, giờ đây anh đã xây dựng được ngôi nhà ở khang trang, tạo lập kinh tế vững chắc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng chí Hoàng Văn Tim, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Yên cho biết: “Mô hình trồng nấm sò của nông dân Dương Văn Quyết là một trong những điểm sáng phát triển kinh tế của xã. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và với tinh thần chăm chỉ lao động, anh đã vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động quanh vùng. Với hướng đi đúng đắn đó, xã luôn quan tâm, động viên, khuyến khích anh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả sản xuất, tạo ra những sản phẩm nấm sạch, an toàn, phục vụ nhu cầu của thị trường, mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm”.

Từ nguồn rơm rạ tưởng chừng bỏ đi đến những bọc nấm sò tươi ngon, nông dân Dương Văn Quyết đã thay đổi cuộc sống của chính mình và gia đình. Sự kiên trì, bền bỉ vượt khó đi lên của anh đang truyền cảm hứng cho nhiều nông dân, thanh niên trên con đường lập nghiệp tại địa phương.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khối thi đua Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc tổng kết năm 2024
BHG - Sáng 21.12, tại thành phố Hà Giang, Khối thi đua Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) 6 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc gồm các tỉnh: Hà Giang (Trưởng khối), Lai Châu (Phó khối), Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
22/12/2024
Vượt thách thức giải ngân vốn đầu tư công
BHG - Bằng những giải pháp “nước rút”, các cấp, ngành, địa phương đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Trong những ngày cuối năm, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công nỗ lực huy động nhân lực, máy móc, xây dựng biểu đồ và cam kết khối lượng thực hiện cụ thể. Với quan điểm “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ; hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán khối lượng để nâng cao tỷ lệ giải ngân.
20/12/2024
Đoàn đại biểu các cơ quan của Việt Nam tham gia các hoạt động về vận tải thẳng đường bộ qua biên giới Việt Nam -Trung Quốc
BHG - Từ ngày 17 đến 19.12.2024, nhận lời mời của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đoàn đại biểu các cơ quan phía Việt Nam gồm: Cục Đường bộ Việt Nam; Cục Giám sát quản lý về Hải quan và đoàn đại biểu liên ngành các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Phòng đã cùng tham gia các hoạt động liên quan đến vận tải thẳng đường bộ qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, được tổ chức tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
20/12/2024
Toàn tỉnh có 51 xã đạt chuẩn Nông thôn mới
BHG - Theo báo cáo của UBND tỉnh, chương trình Nông thôn mới (NTM) sau thời gian thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn.
20/12/2024