Khơi dậy tư duy mới trong giảm nghèo

10:37, 10/12/2024

BHG - Những năm qua, huyện Vị Xuyên triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. Trong đó, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp người nghèo tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở Vị Xuyên chính là tạo sinh kế, trao “chìa khóa” để khơi dậy tư duy mới, ý chí và nghị lực, giúp người dân nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Anh Lương Công Hân, thôn Đội 5, xã Ngọc Linh là hộ nghèo, gia đình có 7 khẩu được hỗ trợ mua bò sinh sản từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ chịu khó chăm sóc, con bò lớn nhanh. Anh Hân cũng làm thêm các nghề phụ để tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2024, gia đình anh viết đơn xin thoát nghèo. Lá đơn với nét chữ giản dị, chân thành của anh Hân có đoạn viết: “Những năm qua, gia đình tôi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để xóa nhà tạm, cải tạo vườn tạp và chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế, đến nay đời sống đã dần ổn định. Xét thấy tôi phải có trách nhiệm tự phấn đấu, vươn lên xây dựng cuộc sống, không nên trông chờ, ỷ lại vào chính sách. Trong xã hội còn nhiều người khó khăn, vất vả hơn, đặc biệt là những gia đình bị mưa lũ gây thiệt hại nặng nề nên tôi nhường sự hỗ trợ cho họ”. Cùng với gia đình anh Hân, 5 hộ khác ở thôn Đội 5 cũng tình nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường trong Nhân dân, tại thôn Bản Tha, xã Phú Linh, và thôn Bản Đén, xã Tùng Bá, có 6 hộ viết đơn xin thoát nghèo.

Mô hình chăn nuôi ngựa của người dân xã Bạch Ngọc từ dự án hỗ trợ sinh kế của huyện Vị Xuyên.
Mô hình chăn nuôi ngựa của người dân xã Bạch Ngọc từ dự án hỗ trợ sinh kế của huyện Vị Xuyên.

Một trong những cách làm nổi bật của Vị Xuyên trong công tác giảm nghèo là hướng tới trao quyền, khơi dậy ý chí tự lực trong mỗi người dân. Huyện khéo léo chuyển đổi các hình thức hỗ trợ trực tiếp sang mô hình sinh kế bền vững, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và định hướng phát triển dài hạn, tạo nền tảng kinh tế vững chắc, giúp người dân tự mình vươn lên. Các mô hình kinh tế phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Trồng cây ăn quả, nuôi trâu, bò, lợn, dê sinh sản; phát triển nghề thủ công truyền thống; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; trồng và chăm sóc cam Sành theo quy trình hữu cơ, VietGAP; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân được triển khai hiệu quả. Những khóa học nghề ngắn hạn từ kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, nghề thủ công đến sửa chữa máy móc đã giúp hàng ngàn người dân có thêm kỹ năng nghề, tiếp cận các phương pháp sản xuất hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật, tối ưu hóa năng suất và chất lượng sản phẩm để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Lá đơn xin thoát nghèo của gia đình anh Lương Công Hân, thôn Đội 5, xã Ngọc Linh.
Lá đơn xin thoát nghèo của gia đình anh Lương Công Hân, thôn Đội 5, xã Ngọc Linh.

Năm 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai 37 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; 26 dự án hỗ trợ sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; tổ chức 21 lớp đào tạo nghề cho 686 học viên; 1 hội chợ cấp huyện và 5 phiên chợ cụm xã tư vấn, giới thiệu việc làm với gần 3.000 người tham gia. Toàn huyện có 185 hộ cải tạo vườn tạp, biến những khu vườn ít giá trị kinh tế thành những vườn cây ăn quả, rau sạch, hay gia trại nuôi gia súc, gia cầm mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, 11.400 hộ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 645 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Trong năm, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 3.750 lao động, đạt 177% so với kế hoạch tỉnh giao.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2024, toàn huyện giảm được 1.192 hộ nghèo, đạt 130,6% kế hoạch tỉnh giao và 108,8% chỉ tiêu của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,55%.

Điều đặc biệt hơn trong công tác giảm nghèo ở Vị Xuyên là các dự án sinh kế còn khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Người dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tạo nên sức mạnh tập thể để cùng vượt qua khó khăn. Tinh thần tự cường của Nhân dân chính là những hạt mầm hy vọng được gieo trồng hôm nay, mang đến kỳ vọng về một tương lai bền vững.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng hành cùng “tam nông” thúc đẩy kinh tế
BHG - Với vai trò là ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã và đang tích cực hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch. Bám sát chủ trương, sứ mệnh của ngân hàng, Agribank chi nhánh huyện Bắc Mê cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng “tam nông”, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp.
30/11/2024
Phát triển lâm nghiệp bền vững - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường
BHG - Hà Giang là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, khoảng 59%, tương đương với diện tích có rừng là 470.103,0 ha. Rừng đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giữ nước và hạn chế thiên tai; rừng cũng là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta, tạo sinh kế cho người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhằm bảo vệ và phát huy tiềm năng, thế mạnh của rừng, ngày 10.10.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-TU về phát triển lâm nghiệp bền vững (Nghị quyết 16).
30/11/2024
Hoàng Su Phì quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách
BHG - Những tháng cuối năm là thời điểm gấp rút trong thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN), hiện nay, Chi cục Thuế khu vực Hoàng Su Phì - Xín Mần đang tích cực thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thu thuế và phí năm 2024 ở mức cao nhất.
29/11/2024
Ca đêm trên các công trình trọng điểm
BHG - Thời gian này, cấp ủy, chính quyền các địa phương đang quyết liệt, sâu sát hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các công trình, dự án đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư, nhà thầu thi công nhằm đạt mục tiêu đến ngày 31.12.2024 sẽ giải ngân đạt kết quả cao nhất.
29/11/2024
Web vayh5 mới