Hiệu quả liên kết trồng mía ở Phong Quang
BHG - Việc triển khai mô hình trồng mía liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ở xã Phong Quang (Vị Xuyên) đã tạo ra giá trị mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
Mô hình trồng mía liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được xã Phong Quang triển khai từ năm 2017. Ban đầu, mô hình có quy mô hơn 30 ha với sự tham gia của trên 30 hộ tại 3 thôn Lùng Châu, Bản Mán, Lùng Càng. Doanh nghiệp đồng hành là Công ty TNHH Một thành viên Thủy Vĩnh Bảo (Công ty Thủy Vĩnh Bảo) có trụ sở tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Trong mối liên kết này, Công ty Thủy Vĩnh Bảo cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm mía sau thu hoạch của người dân theo giá hiện hành. Trong quá trình trồng, chăm sóc cây mía, phía Công ty thực hiện hỗ trợ cây giống, vật tư, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.
Trồng mía liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Phong Quang. |
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Quang, Thượng Duy Du cho biết: Bình quân với diện tích mỗi ha mía sẽ cho thu hoạch từ 100 – 120 tấn, giá trị thu về khoảng 130 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế từ trồng mía vượt trội so với các loại cây trồng trước đây. Nhận thấy cây mía là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, có tiềm năng lớn trong tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, xã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn duy trì, mở rộng diện tích trồng mía để tham gia liên kết với Công ty Thủy Vĩnh Bảo. Đến nay, tổng diện tích đất trồng mía của xã đã nâng lên gần 80 ha, giá trị thu hoạch hàng năm hơn 8 tỷ đồng.
Ông Vàng Sính Dơ, người dân thôn Lùng Càng chia sẻ: Cây mía không yêu cầu nhiều công chăm sóc nhưng lại cho thu hoạch lớn, phù hợp với khí hậu, đất đai và trình độ, tập quán canh tác của người dân. Nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, từ việc trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cây mía sẽ đạt năng suất và chất lượng cao. Nhờ thực hiện mô hình trồng mía liên kết với Công ty Thủy Vĩnh Bảo, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, đời sống được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, mô hình cũng góp phần thay đổi tư duy canh tác truyền thống, giúp người dân địa phương hướng tới nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Trồng mía liên kết đang trở thành hướng đi bền vững của xã Phong Quang, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân không chỉ tăng năng suất lao động, mà còn tăng giá trị nông sản. Cùng với thực hiện mô hình trồng mía liên kết, hiện tại xã Phong Quang tích cực vận động người dân đẩy mạnh thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, tạo cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc