Đảm bảo đủ thịt lợn phục vụ Tết Nguyên đán
BHG - Còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được khống chế, người dân đang chủ động tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng cường phòng, chống dịch bệnh tái phát, chăn nuôi bằng phương pháp an toàn sinh học, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ thịt lợn phục vụ thị trường tết.
Anh Trương Quang Tiến, thôn Nà Lòa, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) vừa bổ sung trên 50 con lợn vào gia trại chăn nuôi của gia đình, tập trung chăm sóc để đàn lợn lớn kịp phục vụ thực phẩm dịp tết. Với nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi, anh Tiến chia sẻ: “Dịp tết, nhu cầu thực phẩm tăng cao, người chăn nuôi không quá lo về giá mà cần chú trọng việc phòng, chống dịch bệnh. Do nuôi lợn vào cuối năm, thời tiết lạnh, nguy cơ về dịch bệnh luôn tiềm ẩn nên công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được tôi đặc biệt chú trọng bằng việc phun khử trùng, vệ sinh toàn bộ chuồng trại, lựa chọn con giống có nguồn gốc, sử dụng thức ăn cho lợn đã qua xử lý nhiệt, gối đàn để đảm bảo nguồn cung được liên tục”.
Người dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) chăm sóc đàn lợn chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2025. |
Từ đầu năm đến nay, bệnh DTLCP xảy ra tại 24 xã của 6 huyện, thành phố với tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 2.650 con, trọng lượng tiêu hủy trên 106 tấn. Đến nay, nhờ quyết liệt trong phòng, chống dịch, bệnh DTLCP đã được khống chế và công bố hết dịch trên toàn tỉnh. Người dân chủ động tái đàn, triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giúp đàn lợn phát triển ổn định. Tổng đàn lợn trong tỉnh hiện đạt gần 589.000 con, trong đó số lượng tái đàn đạt trên 67.500 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 10 tháng năm 2024 đạt trên 56.000 tấn, tăng trên 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện đang là thời điểm tốt để các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong dịp tết sắp tới. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát mạnh. Đặc biệt, cả nước vẫn còn 142 xã của 26 tỉnh, thành phố có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày, nguy cơ bệnh DTLCP bùng phát trở lại rất cao do vi rút DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp; chăn nuôi nông hộ không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; việc kiểm soát, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ ở một số địa phương chưa chặt chẽ; việc tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt đạt thấp, chưa đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống bệnh DTLCP.
Thực hiện Chỉ thị số 41 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, ngăn chặn hiệu quả bệnh DTLCP tái phát, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo các văn bản chỉ đạo của T.Ư, tỉnh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Thị Oanh cho biết: “Ngành chuyên môn đang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân mua con giống có nguồn gốc, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, khi phát hiện có dịch bệnh phải báo cáo chính quyền địa phương và ngành chuyên môn để kịp thời xử lý, đảm bảo không lây lan diện rộng”.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc