Vĩnh Hảo chuyển đổi nhanh các mô hình kinh tế hiệu quả
BHG - Có thời điểm xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) có trên 1.000 ha cây ăn quả cam, quýt. Đến nay, cây cam, quýt bị chết chỉ còn chưa đến 300 ha. Thay vào đó là 300 ha cây quế, trên 100 ha cây giang đã bắt đầu cho thu hái...
Ông Phạm Quang Lân, thôn Vĩnh Chính giới thiệu đồi quế 3 năm tuổi đã cho thu hái. |
Trở lại thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo thăm ông “Vua” cam Phạm Quang Lân. Ông Lân khoe: Giá bán lá giang loại 1 là 17.000 đồng/kg; còn giá bán sô là 15.000 đồng/kg. Vườn cam này ngày trước tôi thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm. Bây giờ, cam chết, chuyển trồng cây giang hái lá và thu hoạch măng bán cũng ổn. Vừa rồi, có người quen đặt tôi chiết 1.000 cành. Thấy trồng giang thu lá, thu măng hiệu quả, bà con trong thôn cũng đã đặt mua về trồng thay thế các vườn cam chết. Trong thôn Vĩnh Chính, gia đình chiết cành giang bán tại chỗ cho bà con là 70.000 đồng/cành. Chuyển trồng cây giang, gia đình đang bán được cả lá, cả măng lẫn cành. Ông Lân cười rồi kéo tay tôi sang đồi quế bên kia đường. Đồi quế này trồng được 3 năm, mới đây, gia đình đã tỉa cành, chặt tỉa thưa bán cho cơ sở chưng cất tinh dầu giá bình quân gần 2.000 đồng/cân. Ở thôn Vĩnh Chính, nhà nào trồng vài ba ha quế từ 3 năm tuổi trở lên cũng đã bắt đầu có thu nhập. Người Vĩnh Chính hiện nay đã bắt đầu trồng cây giang bán lá, trồng cây quế bán cành. Cả thôn Vĩnh Chính đã trồng giang, quế thay hầu hết diện tích trước kia trồng cam. Ông Lân kéo tôi lại ghé tai: Làm nhà nông bây giờ cũng cần có kiến thức, cần thay đổi nhanh với nhu cầu thị trường mới sống khỏe. Hơn nữa, hiện tượng biến đổi khí hậu buộc nhà nông phải năng động, chủ động tìm cây, con phù hợp để tránh mất mùa...
Người dân xã Vĩnh Hảo trồng cây giang thay thế cây cam, quýt. |
Tạm biệt “vua” cam, tôi đến trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Lê Đức Thọ, thôn Vĩnh Sơn. Quy mô chăn nuôi rộng gần 500 m2, chuồng trại được vệ sinh, phòng dịch nghiêm ngặt. Anh Thọ vui vẻ: Mình đang nuôi trên 40 lợn nái; lợn thịt nuôi kế nhau từ 120 -150 con/lứa. Chăn nuôi khép kín từ con giống đến nuôi lợn thương phẩm. Bí quyết chăn nuôi thành công có 2 điểm cần lưu ý là: Giống tốt và làm thật tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra cũng cần phải chú trọng đến việc xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông. Tuyệt đối tránh người qua lại khu vực chuồng trại để phòng ngừa dịch bệnh từ xa. Giá bán lợn hơi thương phẩm hiện nay dao động từ 65 – 68 ngàn đồng/kg. Anh Cấn Văn Phú, người cùng thôn Vĩnh Sơn cho biết thêm: Nếu kinh tế gia đình chưa dồi dào thì hãy nuôi lợn nái, bán lợn con. Nuôi lợn nái, bán lợn con sẽ được thu hoạch 2 năm/5 - 6 lứa. Thời gian nuôi lợn nái sinh sản ngắn chỉ từ 2,5 tháng/lứa (từ khi sinh ra đến lúc xuất chuồng bán giống); giá bán lợn con nuôi làm giống thường cao hơn nuôi lợn thịt ít nhất là 2 đến 2,5 lần. Được biết, gia đình anh Phú nuôi 13 - 15 con lợn nái, thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm. Anh Phú cho biết thêm: Vĩnh Hảo hiện nay còn phát triển mạnh nghề nuôi bò vỗ béo và nuôi gà thả vườn, đồi cho thu nhập tốt và đang trở thành cách làm mới của người dân.
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, Hoàng Văn Xuân về công tác chuyển đổi vật nuôi, cây trồng được biết: Vĩnh Hảo lấy cây chè là cây chiến lược bền vững cần giữ ổn định về diện tích 865 ha. Trồng thay thế lại khoảng gần 1.000 ha phần diện tích cam, quýt đã chết bằng cây giang khoảng 300 ha và cây quế khoảng 500 ha tạo thành vùng nguyên liệu đủ lớn để thành lập nghề, làng nghề thủ công và chưng cất tinh dầu. Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại; xây dựng thành sản phẩm nông, lâm nghiệp cốt lõi có tính cạnh tranh cao để phát triển bền vững. Phấn đấu cuối năm 2025 xóa xong 75 hộ nghèo còn lại; nâng mức thu nhập bình quân lên 50 triệu đồng/người/năm.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc