Nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp
BHG - Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, “chắc làm, chắc thắng” đem lại hiệu quả kinh tế cao, những ngày này, bà con nông dân huyện Quang Bình đang thu hoạch lúa vụ Mùa, giải phóng đất để trồng cây vụ Đông.
Tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, người dân ra đồng từ rất sớm để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ Mùa. Với trên 3.700 ha lúa là những giống lúa lai chủ lực, lúa thuần địa phương có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như: Nhị ưu 838, HKT 99, Việt lai 20, Thiên ưu 8, cơ bản đạt năng suất, sản lượng đề ra. Hiện nay, bà con gặt được trên 70% diện tích lúa. Ngay sau khi hoàn thành việc thu hoạch lúa, các hộ ưu tiên lựa chọn các chân ruộng đất tốt, chủ động nguồn nước để chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả vụ Đông.
Trồng thử nghiệm khoai lang Điện Biên trên cánh đồng dồn điền, đổi thửa thôn Tân An, thị trấn Yên Bình (Quang Bình). |
Theo kế hoạch, thị trấn Yên Bình triển khai 112 ha cây trồng vụ Đông. Với khí thế sản xuất “sáng lúa, chiều cây vụ Đông” để bù lại những thiệt hại do bị ngập úng trong đợt mưa bão vừa qua, bà con đã tập trung làm đất để gieo trồng ngô, khoai lang, khoai tây, dưa chuột, rau đậu. Thông qua mối liên kết bền vững từ những năm trước, việc tổ chức sản xuất cho người dân vẫn duy trì theo nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm nông sản. Vụ Đông năm 2024, thị trấn cũng nhân rộng thêm hơn 1 ha cây dưa chuột và đưa vào trồng thử nghiệm 1 ha cây khoai lang Điện Biên trên cánh đồng dồn điền, đổi thửa tại thôn Tân An.
Chị Nguyễn Thị Thay, thôn Tân An chia sẻ: “Để triển khai thử nghiệm mô hình trồng khoai lang, các chị em phụ nữ đã được đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Điện Biên. Theo đó, khoai lang là cây trồng chịu được khô hạn, 1 vụ chỉ cần tưới từ 3 - 4 lần nên tốn ít công chăm sóc, chi phí vật tư, phân bón cũng ít hơn so với trồng các loại cây khác. Khoai lang có vỏ tím, lõi trắng, bở và ngọt, thị trường tiêu thụ rộng. Trong vụ đầu tiên, 18 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, hướng dẫn mọi kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hình thức cầm tay, chỉ việc”.
Vụ Mùa năm nay, xã Tân Trịnh có gần 300 ha sản xuất lúa, ngô, lạc. Do ảnh hưởng của mưa bão, xã có 95 ha lúa và 34 ha ngô bị thiệt hại trên 70%. Tuy nhiên, mưa lũ xảy ra vào đúng thời kỳ lúa trổ bông, vào chắc nên năng suất giảm hơn so với vụ trước. Nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức phát động, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cải tạo đất, gieo trồng cây vụ Đông. Tổng diện tích triển khai là 105 ha. Các thôn đã thực hiện theo đúng thời gian và lịch gieo trồng, tiến độ đạt hơn 30%.
Trong cả vụ Xuân và vụ Mùa, huyện Quang Bình có tổng diện tích gieo cấy lúa 5.529 ha, năng suất ước đạt 58,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt 32.500 tấn; cây ngô là 2.768 ha, năng suất ước đạt 36,7 tạ/ha, sản lượng hơn 10.000 tấn; cây lạc là 2.604 ha, năng suất ước đạt 27 tạ/ha, sản lượng hơn 7.000 tấn. Ngoài ra, các diện tích gieo trồng cây đậu tương, rau màu đạt 100% kế hoạch. Bão số 3 kết hợp với mực nước trên các sông, suối dâng cao đã làm 441 ha lúa, 199 ha ngô, 68 ha lạc, rau đậu các loại bị thiệt hại. Bên cạnh đó, có những diện tích ruộng đã bị đất, đá vùi lấp, mất trắng toàn bộ, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Bình cho biết: “Theo kế hoạch, toàn huyện gieo trồng 1.450 ha cây vụ Đông. Một số vùng trồng tập trung, liên kết bao tiêu sản phẩm và thực hiện mô hình trình diễn ở các xã vùng thấp được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí về giống; các xã vùng cao được hỗ trợ 70% giá giống, chủ yếu là cây ngô, khoai tây, dưa chuột, bí xanh. Với mục tiêu phát triển cây vụ Đông để bù vào diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, ngành Nông nghiệp và các xã, thị trấn đã tích cực, chủ động rà soát, chuyển đổi những ruộng không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng màu, nâng cao hệ số sử dụng đất. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức kết nối, tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho người nông dân”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc