Hội thảo tư vấn phản biện “Giải pháp phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị tỉnh Hà Giang”
BHG - Sáng 28.10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện “Giải pháp phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị tỉnh Hà Giang”. Dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã.
Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo đã điểm lại một số kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10.10.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh ta có 199.497,1 ha đất sản xuất nông nghiệp với thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu thuận lợi đã hình thành nên các vùng sản xuất đa dạng nông sản hàng hóa như: Cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, cây dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, chăn nuôi bò Vàng, nuôi lợn đen, mật ong Bạc Hà…
Theo số liệu niên giám thống kê, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản năm 2023 tăng 3,27%. Đến nay, toàn tỉnh có 46 dự án sản xuất theo chuỗi giá trị đã được triển khai với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã; 270 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 229 sản phẩm 3 sao, 39 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Chương trình OCOP đã tạo tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các nội dung như: Thực trạng triển khai cơ chế, chính sách và văn bản liên quan đến phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá theo chuỗi giá trị tỉnh Hà Giang; đánh giá kết quả phát triển 2 chuỗi giá trị sản phẩm (chè Shan tuyết, mật ong) và phát triển mới 6 chuỗi (cây ăn quả ôn đới; cây dược liệu; lúa đặc sản chất lượng cao; Tam giác mạch; bò Vàng; lợn đen; những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng hàng hoá; giải pháp thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị đối với các sản phẩm đặc trưng hàng hoá...
Thông qua hội thảo nhằm tăng cường phối hợp giữa các cấp ngành, địa phương triển khai hiệu quả, sáng tạo chính sách phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Truyên truyền về lợi ích của việc khai thác, sử dụng chỉ dẫn địa lý. Rà soát xác định các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh để tham mưu triển khai nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị hàng hóa; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị.
Tin, ảnh: NGUYỄN DỊU
Ý kiến bạn đọc