Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án các đô thị xanh
BHG - Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại công trường thi công kè và đường hai bên bờ sông Miện, đoạn từ cầu suối Tiên đến khu vực cầu 3/2 thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Hà Giang. Dù có thời điểm mực nước dâng cao, nhiều đoạn bờ sông Miện bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động và nhiều máy móc của nhà thầu thi công - Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 1 vẫn luôn túc trực, tranh thủ từng chút thời gian, bố trí triển khai các phần việc hợp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ. Ông Hà Văn Phan, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Hạng mục thi công kè và đường hai bên bờ sông Miện có tổng mức đầu tư trên 155,6 tỷ đồng. Thời gian qua, mưa lớn xảy ra liên tục, nước sông dâng cao, chảy xiết khiến nhiều đoạn bờ kè bị sạt lở, nhiều vật tư, thiết bị máy móc bị nước cuốn trôi, gây nhiều thiệt hại cho nhà thầu, nhưng Công ty đã triển khai nhiều giải pháp với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” nhằm đảm bảo tiến độ công trình.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 1 trao đổi với giám sát của chủ đầu tư phương án thi công kè sông Miện (thành phố Hà Giang). |
Còn tại công trình kè và thi công mở tuyến đường vành đai phía Nam thành phố thuộc Dự án các đô thị xanh, Công ty Cổ phần Thương mại Sao Đỏ - nhà thầu thi công cũng đang nỗ lực triển khai các phần việc dù vừa bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Tuyến đường có tổng chiều dài trên 2,9 km, đoạn từ tổ 1 phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) đến đường nối đi xã Phú Linh (Vị Xuyên) và hạng mục kè taluy âm bảo vệ đường phía sông Lô dài 400 m; tổng mức đầu tư trên 136,9 tỷ đồng. Sau hai đợt mưa lũ vừa qua, toàn bộ phần đê quai tuyến kè bị sạt lở xuống sông; các trang thiết bị máy móc của nhà thầu chưa được trục vớt. Ông Vũ Văn Thực, Chỉ huy trưởng công trường cho biết, ngay khi nước rút, Công ty đã tổ chức lực lượng, bắt tay ngay vào thi công, cả công trường quyết tâm “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” từng bước đẩy nhanh tiến độ.
Dự án các đô thị xanh – Tiểu dự án Hà Giang được ký kết Hiệp định từ năm 2018; tổng mức đầu tư sau điều chỉnh trên 1.271 tỷ đồng, trong đó vốn ODA trên 936 tỷ đồng, vốn đối ứng Chính phủ trên 334,671 tỷ đồng. Dự án gồm 8 công trình, trong đó 3 công trình giao thông, 1 công trình thoát nước, 1 công trình điện chiếu sáng... Lũy kế vốn đã bố trí 612 tỷ đồng, trong đó: Kế hoạch vốn năm 2024 là 330,5 tỷ đồng, giải ngân 22,1 tỷ đồng, đạt 6,7%.
Cập nhật tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư tính đến cuối tháng 6 vừa qua cho thấy, có 4 công trình đang thi công; 1 công trình đã ký hợp đồng nhưng chưa khởi công; 2 công trình phải tổ chức đấu thầu lại; 1 công trình chưa phê duyệt thiết kế. Cụ thể, công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 và xây dựng cầu mới nối Quốc lộ 2 với đường vành đai phía Nam thành phố đang thi công các hạng mục cấu kiện đúc sẵn, đào hạ nền, thi công hệ thống thoát nước... khối lượng ước đạt 8%. Đường vành đai phía Nam thành phố khởi công đầu năm 2024, đang triển khai trên toàn tuyến, gồm các hạng mục: Phóng tuyến, mở đường công vụ, đào, đắp nền đường và đào, đổ móng kè bờ sông Lô... khối lượng ước đạt 5%. Đường Phùng Hưng đã hoàn thành 100% mặt bê tông nhựa, hệ thống thoát nước, các hạng mục vỉa hè, trồng cây xanh, điện chiếu sáng… giá trị khối lượng ước đạt trên 95%. Kè và đường hai bên bờ sông Miện, đang thi công móng, thân kè; khối lượng hoàn thành ước đạt 20%.
Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 1 đúc cấu kiện bê tông mái kè sông Miện. |
Ngoài ra, các công trình như: Kè bờ Tây sông Lô đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công; đang tiến hành đo đạc lập hồ sơ thu hồi đất. Có 2 công trình phải tổ chức đấu thầu lại đó là hệ thống các công trình thoát nước và thay thế hệ thống chiếu sáng đường phố bằng công nghệ đèn LED. Công trình kè bờ Nam suối Mè hiện chưa được phê duyệt.
Theo đại diện chủ đầu tư - Ban điều phối Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hoá: Dự án kéo dài nhiều năm, phải chuyển đổi cơ quan chủ quản nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện có 3 công trình chưa phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng do phải điều chỉnh thiết kế cơ sở, điều chỉnh hướng tuyến, thay đổi quy mô dẫn đến phải lập lại phương án; có công trình chưa được di dời hạ tầng kỹ thuật, tư vấn giám sát thi công và hỗ trợ thực hiện dự án không hợp tác giải quyết các vướng mắc liên quan, không bố trí tư vấn thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký kết gây ảnh hưởng đến tiến độ chung. Hơn nữa, thời gian qua trên địa bàn xảy ra mưa lớn, lượng nước trên sông Lô khu vực thành phố dâng cao, làm ngập toàn bộ hạng mục công trình đang thi công, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và hư hỏng nghiêm trọng các hạng mục công trình, ước tính thiệt hại trên 6 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư hoàn tất hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (gia hạn thời gian thực hiện đến 30/6/2028); phối hợp với UBND thành phố tiến hành các thủ tục thanh lý, chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát thi công và hỗ trợ thực hiện dự án (HG-CS01), tiến hành các thủ tục lựa chọn, tuyển tư vấn giám sát thi công và hỗ trợ mới thay thế; tiếp tục triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công 4 công trình đã khởi công xây dựng; đồng thời tiến hành thủ tục đấu thầu các công trình còn lại.
Bài, ảnh: Tiến Chiến
Ý kiến bạn đọc