Nhân lên niềm vui từ những cánh rừng ở Lạc Nông
BHG - Những năm qua, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT – XH trên địa bàn xã Lạc Nông (Bắc Mê). Nhờ đó, người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng (BVR) có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thêm động lực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tháng 5.2024, anh Hoàng Chí Cường, thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông được cầm số tiền gần 1 triệu đồng từ chính sách chi trả tiền DVMTR, anh chia sẻ: Tôi được giao khoán BVR với diện tích hơn 9,4 ha; tôi thấy công sức tham gia BVR được chi trả xứng đáng nên không chỉ riêng tôi mà nhiều chủ rừng trên địa bàn xã ai cũng vui mừng, phấn khởi; số tiền này tôi sẽ tiếp tục mua cây giống để trồng thêm diện tích rừng mới, đây cũng là động lực rất lớn giúp tôi bảo vệ những cánh rừng thêm xanh.
Người dân thôn Bản Khén, xã Lạc Nông (Bắc Mê) nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tại nhà văn hóa thôn. |
Xã Lạc Nông có tổng diện tích tự nhiên gần 4.700 ha, trong đó diện tích có rừng và nằm trong chính sách chi trả tiền DVMTR trên 2.800 ha. Với phương châm “Lấy rừng nuôi rừng”, tháng 5.2024 toàn xã có 248 hộ/548,7 ha được chi trả tiền DVMTR với tổng số tiền gần 57 triệu đồng; diện tích rừng cộng đồng trên 659 ha với tổng số tiền được chi trả trên 68 triệu đồng (kế hoạch năm 2023). Nhằm làm tốt công tác giữ rừng và phát triển rừng xã Lạc Nông giao nhiệm vụ cho tất cả các hộ dân trong xã được hưởng tiền DVMTR cùng quản lý, BVR; xây dựng quy chế, hương ước về công tác quản lý, BVR nếu hộ nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về chính sách chi trả tiền DVMTR và lợi ích của rừng đối với sự phát triển KT – XH; phối hợp thực hiện chặt chẽ, việc chi trả theo phương châm “Chi đúng, chi đủ, đảảm bảo công khai, minh bạch”… Để công tác chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng diễn ra thuận lợi, trước khi tổ chức chi trả, người dân trong xã đều được thông báo về thời gian, địa điểm, chuẩn bị các giấy tờ đầy đủ, cụ thể, đối với chủ rừng là cộng đồng ít nhất phải có từ 3 người trong Ban quản lý rừng cộng đồng đến nhận tiền và mang theo Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân và sổ tay chi trả tiền DVMTR để ghi chép số tiền được nhận; đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân khi đi mang theo Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân và quyết định giao đất giao rừng. Từ khi được hưởng chính sách chi trả DVMTR nhiều chủ rừng tại xã Lạc Nông đã cam kết bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, tiếp tục khoanh nuôi tái sinh rừng, đăng ký trồng mới rừng tại các khu đất trống đồi trọc, nương rẫy kém hiệu quả; ý thức trách nhiệm trong việc BVR của người dân các thôn, bản được nâng lên. Anh Nguyễn Văn Hữu, thôn Bản Khén tâm sự: Được nhận số tiền ngày hôm nay bản thân tôi cảm thấy rất vui, số tiền giúp cho gia đình tôi trang trải được nhiều việc trong cuộc sống, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác BVR.
Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Nông, Mã Xuân Hùng cho biết: Để quản lý tiền DVMTR đảm bảo chi đúng, chi đủ, công khai, minh bạch, UBND xã thường xuyên rà soát hiện trạng rừng để xác định diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả chính sách tiền DVMTR; niêm yết diện tích rừng và số tiền được chi trả tại các nơi công cộng cho người dân biết. Đối với tiền DVMTR cộng đồng, UBND xã tăng cường kiểm tra và hướng dẫn các thôn lập hồ sơ chi trả, quản lý và sử dụng kinh phí đúng theo hướng dẫn sử dụng kinh phí DVMTR, như chỉ đạo các thôn đưa vào quy chế sử dụng kinh phí, ưu tiên 100% kinh phí tập trung cho công tác quản lý, BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các thôn, họp thôn sử dụng một phần kinh phí cho các công việc của thôn và được đưa ra thống nhất trước cuộc họp thôn, lấy biểu quyết của tập thể thôn bằng biên bản, do đó trong quá trình thực hiện không có khiếu nại tố cáo hoặc kiến nghị liên quan đến công tác chi trả tiền DVMTR.
Người dân xã Lạc Nông sống chủ yếu vào làm nông nghiệp và lâm nghiệp, do đó rừng đối với người dân vô cùng quan trọng nên diện tích rừng ở xã được người dân bảo vệ đúng theo quy định của nhà nước. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nhận khoán BVR, một số thôn còn sử dụng tiền chi trả DVMTR để làm các công trình phúc lợi. Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức BVR mà còn tạo sinh kế, giúp người dân có thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với rừng.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc