Rừng xanh che chở xóm làng
BHG - Với những cách làm hay trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã Bằng Lang (Quang Bình), những cánh rừng tự nhiên ở nơi đây vẫn giữ được cảnh quan, môi trường sinh thái với nhiều loại cây gỗ to, quý hiếm. Rừng xanh đã che chở, mang lại cho người dân cuộc sống bình yên, no ấm nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và dựa vào rừng để phát triển du lịch cộng đồng.
Kiểm lâm huyện Quang Bình trồng cây tạo cảnh quan gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Khun, xã Bằng Lang. |
Mùa Xuân đến, những cánh rừng già ở thôn Khun lại mướt lên màu xanh tràn đầy sức sống. Trong rừng sâu có những cây gỗ cổ thụ nhiều người ôm không xuể, các loại động vật chim, thú đều có nơi trú ẩn an toàn. Khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn đảm bảo cung cấp ổn định nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Từ ngày làng phát triển du lịch cộng đồng, ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng của đồng bào các dân thiểu số đã nâng cao hơn hẳn so với trước kia. Đã từ rất lâu, rừng tự nhiên của thôn không còn tiếng cưa, tiếng máy. Những đoàn du khách phương xa lẫn người dân địa phương được tận hưởng không gian yên ả, trong lành, thoáng đãng. Hiện nay, thôn Khun cũng chính là địa bàn có diện tích rừng được nhận tiền DVMTR cao nhất trong xã với 1.103 ha và hơn 133 triệu đồng chi trả cho cộng đồng dân cư và các hộ gia đình.
Cuối năm 2023, thôn Khun đã thành lập Tổ quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, gồm có 12 thành viên. Tổ được trang bị thiết bị máy bẫy ảnh nhằm theo dõi, quan sát, các loại động vật, các hành vi xâm hại đến rừng tự nhiên, khu vực giáp ranh, nhiều gỗ quý hiếm, xa khu dân cư và có nguy cơ bị khai thác trái phép. Các thành viên chia thành 2 tuyến chính tuần tra rừng với điểm xuất phát là từ rừng vầu tự nhiên xóm Nà Lang và từ hang Bó Mỳ. Tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 34 km. Qua đó, nhằm bảo vệ hiệu quả, chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên đang có và chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ xâm hại đến tài nguyên rừng, đất rừng, tạo bền vững sinh kế để người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân. |
Anh Nông Văn Dược, Trưởng thôn Khun chia sẻ: “Qua công tác tuyên truyền, vận động của các đoàn thể và Tổ quản lý, bảo vệ rừng, người dân đã thực hiện ký cam kết không chặt phá rừng, đồng thời tích cực phát triển rừng trồng keo, quế. Khi phát hiện rừng bị xâm hại, mọi người đều có trách nhiệm thông báo cho chính quyền, lực lượng kiểm lâm, công an để cùng phối hợp xử lý. Đối với tiền DVMTR rừng của cộng đồng dân cư, chủ yếu thôn dùng vào việc tu sửa, hoàn thiện các công trình phúc lợi xã hội và nhận được sự đồng tình, ủng hộ, góp sức của bà con. Vừa qua, thôn cũng chính là địa điểm được huyện Quang Bình tổ chức lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ để tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong bảo vệ rừng, coi rừng là vốn quý, giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của núi rừng, thiên nhiên gắn với đẩy mạnh phát triển mạnh du lịch trải nghiệm, sinh thái”.
Chủ tịch UBND xã Bằng Lang, Vũ Mạnh Tiềm cho biết: Toàn xã có 11 thôn được chi trả DVMTR với tổng diện tích là 2.396 ha, số tiền năm 2023 đã giải ngân theo kế hoạch của năm 2022 đạt hơn 269 triệu đồng. Mỗi năm toàn xã trồng mới trên 200 ha rừng các loại, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72%. Công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, ngày càng tốt hơn, thiết thực bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của rừng, kết hợp với quy hoạch và phát triển rừng sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, phát triển rừng gỗ lớn, cây trồng chủ lực trên địa bàn xã. Từ đó, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến các sản phẩm từ gỗ và các loại cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao, đời sống của người làm nghề rừng không ngừng được cải thiện, sản xuất lâm nghiệp đã trở thành động lực quan trọng trong giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, phát triển du lịch và phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc