Dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao đời sống người dân
BHG - Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) vào phát triển kinh tế, xây dựng các công trình đường bê tông nông thôn, trụ sở thôn... là hướng đi được người dân xã Nấm Dẩn (Xín Mần) thực hiện trong thời gian qua. Cách làm này đã, đang đem lại tín hiệu tích cực góp phần vào việc nâng cao đời sống, ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn xã.
Thôn Ngam Lâm có 100 hộ, có trách nhiệm bảo vệ 280,71 ha rừng tự nhiên. Mỗi năm, các hộ dân tại thôn bình quân nhận trên 2 triệu đồng DVMTR. Sau khi tiền được giải ngân, người dân tại thôn đều sử dụng để phục vụ vào việc đầu tư cho hoạt động chăn nuôi, trồng trọt. Điển hình như: Gia đình chị Nùng Thị Nhình sử dụng tiền DVMTR để sửa sang, làm chuồng trại nuôi gần 50 con dê; gia đình chị Lù Thị Tài đầu tư nuôi lợn; gia đình anh Trần Chín Chỉ sử dụng vào cải tạo vườn tạp, mua giống cây ăn quả như cam, bưởi.
Chuồng dê của gia đình chị Nùng Thị Nhình được làm từ tiền dịch vụ môi trường rừng. |
Chị Lù Thị Tài chia sẻ: Trước đây khi nhận tiền DVMTR mình chưa biết đầu tư vào chăn nuôi, số tiền đó thường chỉ được sử dụng mua sắm các đồ dùng trong nhà. Từ năm 2021 đến nay, mỗi khi nhận tiền DVMTR mình đều dùng để mua lợn giống về nuôi rồi bán lợn thương phẩm, lấy vốn đầu tư thêm vào chăn nuôi. Nhờ vậy, năm 2023 gia đình mình đã thoát nghèo lên hộ trung bình, mình rất vui vì điều đó.
Ngoài việc các hộ gia đình sử dụng tiền DVMTR vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tại thôn Ngam Lâm, người dân còn cùng nhau sử dụng tiền DVMTR làm những công trình phúc lợi, phục vụ cho hoạt động sinh hoạt tại địa phương. Trong đó, nổi bật với một số công trình như làm đường bê tông vào các nhóm hộ; xây mới trụ sở thôn; xây nhà Miếu làm công trình chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ huyện Xín Mần lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Bí thư Chi bộ thôn Ngam Lâm, Ly Văn Chương cho biết: Việc sử dụng tiền DVMTR vào các công trình phúc lợi đều được Ban quản lý thôn họp, nhận được sự đồng thuận của người dân. Hiện, đường giao thông của thôn đang từng bước được bê tông hóa, nhiều công trình quan trọng của thôn được xây dựng khang trang và để có thành quả như vậy thì số tiền từ DVMTR đóng góp không hề nhỏ. Điều này đem lại cho người dân sự phấn khởi lớn, tạo động lực để chúng tôi có thể quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn, Giàng Vạn Chín cho biết: Hiện xã có 12 thôn và một tổ đội được hưởng tiền DVMTR. Mỗi năm, trước khi tiền DVMTR được giải ngân xã đều có văn bản gửi đến các thôn, tổ đội hướng dẫn về cách sử dụng nguồn tiền. Các thôn, tổ đội đều sẽ lập ra phương án, kế hoạch chi tiêu cụ thể và nêu lên nguyện vọng của người dân. Hiện 12/12 thôn của xã, người dân đều sử dụng tiền DVMTR hợp lý, góp phần rất lớn vào việc phát triển KT-XH của địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Nhung
Ý kiến bạn đọc