Xây dựng Nông thôn mới còn khó khăn về nguồn vốn
BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (MTQG XDNTM) đã tạo nhiều chuyển biến tích cực đối với bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện lộ trình XDNTM ở tỉnh còn gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn vốn triển khai các nội dung trong chương trình, đặc biệt là về xây dựng hạ tầng giao thông, điện, trường học.
Thực hiện Chương trình XDNTM đến nay tỉnh có thành phố Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Toàn tỉnh có 48/175 xã đạt chuẩn NTM, đạt 27,4%; trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã hoàn thành trên 2.100 tiêu chí NTM, bình quân đạt 12,4 tiêu chí/xã. Có 88 thôn đã được công nhận thôn NTM theo tiêu chí của tỉnh. Thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện, thành phố đã làm được 384.813 m đường bê tông các loại; bó láng nền nhà trên 1.700 hộ; xây dựng 1.500 công trình nhà tắm; 1.600 nhà tiêu hợp vệ sinh; cứng hóa, di dời 1.250 chuồng trại; xây dựng 1.300 bể nước; kiên cố hoá 13,6 km kênh mương; xây dựng 52 phòng học; xây dựng, sửa chữa 85 nhà văn hoá thôn... Nhân dân hiến trên 153 nghìn m2 đất; đóng góp 141 nghìn ngày công; mở mới 101,3 km đường đất, đá; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 140,2 km đường...
Thôn Lùng Mười, xã Nông thôn mới Quyết Tiến (Quản Bạ) còn nhiều khó khăn. |
Mặc dù XDNTM đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên với điều kiện của tỉnh miền núi khó khăn, việc huy động nguồn vốn XDNTM của tỉnh vẫn còn là một bài toán khó giải. Theo thống kê nhu cầu kinh phí để thực hiện kế hoạch năm 2023 là 1.147,4 tỷ đồng, triển khai thực hiện hoàn thành 136 tiêu chí NTM, duy trì, nâng cao chất lượng 48 xã đạt chuẩn NTM... Tuy nhiên, nguồn kinh phí bố trí từ chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2023 còn rất hạn chế là 131,77 tỷ đồng, đạt 11,4%. Bên cạnh đó, việc lồng ghép vốn của 2 Chương trình MTQG giảm nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện xây dựng NTM tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do quy định cụ thể của từng chương trình MTQG. Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu của Trung ương giao, nhu cầu kinh phí cần rất lớn, trong khi nguồn vốn của Trung ương thông báo cho tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 rất hạn chế. Tổng nhu cầu kinh phí giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 8.700 tỷ đồng; tuy nhiên nguồn vốn từ chương trình MTQG XDNTM thông báo là 570,2 tỷ đồng, chiếm 6,4%.
Việc giải ngân vốn còn chậm, do các nội dung công việc, công trình đa số đều phải tổ chức đấu thầu, nên mất khá nhiều thời gian từ khi được phê duyệt đến tổ chức thực hiện và giải ngân. Trong khi việc huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; huy động vốn từ ngân sách huyện, xã rất ít; việc huy động vốn, đóng góp công sức, ngày công lao động của nhân dân tại các xã vùng III, có điều kiện kinh tế khó khăn rất hạn chế.
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Giang có 52 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 133 xã khu vực III. Tại Điều 3 Quyết định 861/QĐ-TTg năm 2021 quy định thì các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM có hiệu lực. Như vậy, các chế độ liên quan các xã khu vực III sau khi đạt chuẩn NTM sẽ cắt giảm, thôi hưởng các chính sách hỗ trợ đối với vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, điển hình là chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, thu hút cán bộ đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn... Đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân tại các xã này.
Để triển khai hiệu quả Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh, theo lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, Trung ương cần kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương; có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình; đồng thời cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế phát triển KT-XH của địa phương. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát động và nhân rộng các phong trào, mô hình hiệu quả; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Chương trình. Trong thực hiện nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực nên dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu đề ra, chứ không chỉ dựa vào định mức như hiện nay dẫn đến không đáp ứng mục tiêu của kế hoạch hàng năm. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc