Tích cực chăm sóc hoa màu và đàn vật nuôi phục vụ thị trường Tết
BHG - Cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau, thịt trên địa bàn huyện Mèo Vạc tăng từ 20 - 30% so với ngày thường. Để chủ động nguồn cung, các hộ chăn nuôi tích cực tái đàn, thực hiện chăn nuôi an toàn, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Diện tích Bắp cải tại thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) xanh tốt chuẩn bị đưa ra thị trường phục vụ Tết. |
Gắn bó nhiều năm với nghề chăn nuôi tổng hợp, gia đình chị Vàng Thị Mỷ, thôn Hố Quáng Phìn, xã Giàng Chu Phìn trải qua không ít khó khăn để xây dựng được mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Các tiêu chí về chuồng trại và kỹ thuật nuôi như: Con giống, các yếu tố môi trường, nhiệt độ, phòng dịch… đều được chị Mỷ tuân thủ nghiêm ngặt. Với 500 m2 diện tích đất, gia đình chị nuôi 3 con bò vỗ béo, 6 con dê thương phẩm, 5 con lợn đen và đàn gia cầm hơn 200 con. Hàng năm thu nhập từ chăn nuôi luôn ổn định ở mức 50 - 60 triệu đồng/năm. Vào thời điểm chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, gia đình chị lại tất bật hơn trong việc chăm sóc đàn gia súc, gia cầm sẵn sàng xuất chuồng phục vụ nhu cầu thị trường. Chị Mỷ chia sẻ: Thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm cũng chỉ tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp. Do đó chất lượng thịt cũng được thị trường đánh giá cao. Trong thời gian này, nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao nhất trong năm nên gia đình đã tăng đàn, đáp ứng nhu cầu thị trường để gia đình có thêm thu nhập mua sắm Tết.
Theo ghi nhận những tháng cuối năm, nông dân trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện đã đẩy mạnh sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tích cực chăm sóc cây trồng, đặc biệt tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản sạch, đảm bảo cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Để phục vụ thị trường Tết năm nay, nhiều gia đình đã mở rộng diện tích trồng rau màu để có thêm thực phẩm xanh cung ứng… Chị Sùng Thị Máy, thôn Há Dấu Cò, xã Cán Chu Phìn cho biết: Từ tháng 10.2023, sau khi thu hoạch vụ ngô xong, gia đình tôi đã tranh thủ làm đất để gieo trồng rau Bắp cải, Su hào và một số loại rau khác. Đến nay vườn rau của gia đình đang sinh trưởng, phát triển tốt chuẩn bị thu hoạch dần để ra chợ trung tâm huyện tiêu thụ. Để có được những loại rau xanh tốt phục vụ bà con, gia đình cũng phải tích cực chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ xã, như vậy sản lượng năng xuất mới cao.
Người dân thôn Po Ma, xã Khâu Vai (Mèo Vạc) chăm sóc đàn gia súc. |
Hiện nay, toàn huyện Mèo Vạc có tổng đàn gia súc gần 94.000 con, trên 570 nghìn con gia cầm và hơn 2.000 ha rau màu vụ Đông. Một số diện tích trồng đầu vụ đã thu hoạch, diện tích còn lại nông dân tích cực chăm sóc để kịp bán vào dịp Tết. Đối với những vùng trồng màu tập trung nhiều của huyện như: Nậm Ban, Tát Ngà, Niêm Sơn, Pả Vi, thị trấn Mèo Vạc… đa số nông dân trồng cây màu đều được tiêu thụ sản phẩm đầu ra đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như cung ứng cho các đơn vị trường học. Đối với gia súc, gia cầm cũng có đầu ra ổn định, có được kết quả trên ngành Nông nghiệp ở địa phương đã tập trung bám cơ sở để đồng hành cũng người nông dân.
Đồng chí Tề Văn Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mèo Vạc khẳng định: Nếu như trước đây, các hộ dân ở Mèo Vạc chỉ sản xuất với quy mô nhỏ, lợi nhuận kinh tế không cao, thì nay người dân nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên các loại rau màu và thịt đã phong phú về chủng loại, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân. Với sự chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và rau màu kịp thời, chăn nuôi, sản xuất của nông dân hiện nay khá thuận lợi. Họ cũng hy vọng đợt rau màu cũng như gia súc, gia cầm dịp Tết này sẽ bán được giá để có thêm thu nhập đón một mùa xuân vui tươi, ấm áp...
Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc