Thúc đẩy tăng trưởng xanh
BHG - Tăng trưởng xanh (TTX) với sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển KT - XH và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu, xu hướng tất yếu của toàn cầu hóa hiện nay. Thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh chủ động nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng, phát triển nông nghiệp hiện đại, hữu cơ, xây dựng Nông thôn mới hòa hợp, tăng cường quản lý tài nguyên, thúc đẩy đô thị, tiêu dùng và mua sắm xanh.
Trong kế hoạch hành động thực hiện TTX giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh ta đề ra mục tiêu TTX với 18 chủ đề, 105 nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm; chú trọng tích hợp các giải pháp TTX trong kế hoạch phát triển KT - XH; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng. Toàn tỉnh có 41 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia với tổng công suất lắp máy 762MW; các nhà máy thủy điện hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa, bão. Các cấp, ngành, tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm, phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn tỉnh xuống 6%. Trong Chiến dịch Giờ trái đất 2023 với chủ đề “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 21 nghìn kWh điện.
Các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cây giống giúp nhân dân Vị Xuyên trồng rừng. |
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp hiện đại, hữu cơ, bền vững bằng việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: Sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, cơ giới hóa, thủy canh, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP). Đến nay, toàn tỉnh có trên 10 nghìn ha chè được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ và gần 3.700 ha cam VietGAP. Các địa phương hỗ trợ xây dựng, chứng nhận vùng nuôi ong theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho 13 cơ sở nuôi ong tập trung; xây dựng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm cho 14 cơ sở sơ chế, chế biến mật ong Bạc hà. Tỉnh thực hiện tốt các chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Năm 2023, toàn tỉnh trồng được trên 4.100 ha rừng, bảo vệ rừng được 277.748 ha, trồng trên 2 triệu cây xanh phân tán, tỷ lệ che phù rừng đạt 58,%.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Trên địa bàn tỉnh có 120 cơ sở chế biến chè, gỗ và các sản phẩm từ gỗ quy mô công nghiệp đang hoạt động, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng KH&CN tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, được thị trường đón nhận. Đặc biệt, tỉnh quan tâm chỉ đạo, lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị xanh và biến đổi khí hậu trong công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị trên địa bàn. Các đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị được đánh giá về tác động môi trường, bố trí diện tích cây xanh, công viên, cảnh quan, các điểm thu gom chất thải, rác thải.
Lát đá vỉa hè thuộc Dự án phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), tiểu dự án tại Hà Giang. |
Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM được các địa phương chú trọng, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Nhà sạch - Vườn đẹp”, làm đường giao thông, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình vệ sinh, đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà ở, đầu tư lò đốt rác, bãi chôn lấp rác thải, chất thải rắn, thành lập các tổ thu gom, xử lý rác thải tại các thôn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 95%, tỷ lệ xử lý đạt 86%; giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; không săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt hủy diệt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tăng cường quản lý tài nguyên; thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực xã hội như lao động, việc làm, y tế, du lịch.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, TTX hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là lựa chọn tất yếu, đồng thời cũng là cơ hội để tỉnh phát huy lợi thế, phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu TTX theo kế hoạch, cần nhiều giải pháp đồng bộ trong đó tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; đảm bảo cung cấp năng lượng đáp ứng các mục tiêu phát triển KT - XH; tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành động của doanh nghiệp và người dân về TTX; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư thiết bị, ứng dụng KG&CN vào sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm đặc thù của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, chất lượng cao theo chuỗi giá trị; tích cực bảo vệ và phát triển rừng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc