Phát triển HTX sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với phát triển du lịch

10:34, 18/12/2023

BHG - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn coi trọng việc phát triển mô hình kinh tế bền vững, trong đó các hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) đã và đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Xác định việc phát triển các HTX NN là quan trọng trong phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, xác định trách nhiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết và các quy định pháp luật, chính sách về phát triển HTX. Tính đến hết quý II năm 2023, toàn tỉnh có 465 HTX NN, chiếm khoảng 57% tổng số HTX trong các lĩnh vực, thu hút gần 3.310 thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nông dân.

Các HTX NN là mắt xích quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh thăm quan gian hàng các sản phẩm đặc trưng của các HTX trên địa bàn huyện Yên Minh)
Các HTX NN là mắt xích quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh thăm quan gian hàng các sản phẩm đặc trưng của các HTX trên địa bàn huyện Yên Minh)

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP để thu hút khách du lịch, các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch đã góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động tại các địa phương, làng nghề. Ngoài ra nhiều HTX NN đã tham gia cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn như: Du lịch sinh thái, dịch vụ tổng hợp, nước sạch và nhiều dịch vụ khác đã đem lại lợi ích cho các thành viên HTX và cộng đồng.

Cùng với đó, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc phát triển các HTX NN có sản phẩm đặc trưng và khôi phục lại các làng nghề truyền thống của địa phương, vì vậy, các sản phẩm không ngừng được mở rộng, phát triển và đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú để phục vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP hấp dẫn khách du lịch như: Mật ong Bạc hà vùng cao, Hồng không hạt Yên Minh, Quản Bạ, gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần, thịt bò Vàng trên Cao Nguyên đá Đồng Văn... cùng các làng nghề truyền thống như: Nghề làm khèn Mông, nghề dệt vải lanh của dân tộc Mông; nghề làm giấy bả, nghề chạm bạc của đồng bào Dao; nghề rèn… Đặc biệt, các sản phẩm của các làng nghề và làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc đều được làm thủ công, do vậy đã thu hút nhiều du khách mua và trải nghiệm.

Vườn dưa 4.0 của HTX Nông nghiệp Tiên Phong (Vị Xuyên) được ứng dụng công nghệ tưới thông minh.
Vườn dưa 4.0 của HTX Nông nghiệp Tiên Phong (Vị Xuyên) được ứng dụng công nghệ tưới thông minh.

Để phát triển các HTX NN cung ứng các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, các ngành chức năng của tỉnh đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP và các làng nghề nhằm giúp các HTX, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, làng nghề tạo ra các sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc thù để phục vụ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý, lồng nghép các nguồn kinh phí để hỗ trợ và đầu tư cho các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và các làng nghề truyền thống, nhờ đó các sản phẩm không ngừng được phát triển, đa dạng về mẫu mã và hình thức, đặc biệt là chú trọng về chất lượng.

Tuy nhiên các HTX NN chưa phát huy tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hiệu quả hoạt động chưa cao, do đó các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của người dân cũng như khách du lịch.

Thời gian tới, để các HTX NN phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo vùng, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản; chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, liên kết lành mạnh, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao vị thế, vai trò của người nông dân trong phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng Nông thôn mới.

Bài, ảnh:  HỒNG CỪ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả dự án nuôi bò liên kết theo chuỗi giá trị ở Bắc Mê

BHG - Nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo bền vững, huyện Bắc Mê triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò vùng cao sinh sản gắn với tiêu thụ sản phẩm (dự án nuôi bò liên kết theo chuỗi giá trị). Qua một thời gian thực hiện, đến nay đang có những tín hiệu đáng mừng, mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

18/12/2023
Sức bật năm “bản lề”

BHG - Dù đối diện nhiều khó khăn nhưng với sự điều hành linh hoạt, chủ động đã giúp kinh tế của tỉnh năm 2023 tiếp tục phục hồi, phát triển ổn định. Những lợi thế về hoạt động xuất, nhập khẩu được khôi phục, tăng trưởng khá; chương trình phục hồi và phát triển KT – XH, các dự án trọng điểm được triển khai tích cực; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 triển khai đồng bộ, toàn diện; kết cấu hạ tầng giao thông, hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ có bước phát triển mạnh… đã tạo ra sức bật mạnh mẽ cho kinh tế của tỉnh trong năm “bản lề”.

17/12/2023
Khát vọng làm giàu của chàng trai người Mông

BHG - “Trong khi nhiều bạn bè tiếp tục theo học lên trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc đi lao động ở các công ty ngoài tỉnh thì em quyết định ở nhà để phát triển kinh tế. Em nghĩ, làm giàu không khó, chỉ cần chọn công việc phù hợp, không trái đạo đức, pháp luật và có sự quyết tâm, kiên trì thì chắc chắn công sức mình bỏ ra sẽ không uổng phí” – anh Thò Mí Già, dân tộc Mông, đoàn viên thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) chia sẻ.

17/12/2023
Đưa nước nguồn từ dãy Tây Côn Lĩnh về thành phố Hà Giang

BHG - Từ trước đến nay, nước sinh hoạt cung cấp cho người dân thành phố Hà Giang được khai thác, xử lý từ nước sông Miện. Đây là nguồn nước có nguồn gốc từ ngoài lãnh thổ Việt Nam và trên dọc tuyến thượng nguồn có nhiều nguồn xả thải ra sông làm cho chất lượng không đảm bảo, mất nhiều thời gian, chi phí xử lý. Dự án Hệ thống cấp nước suối Sửu đang được triển khai xây dựng sẽ đưa nước nguồn từ dãy núi Tây Côn Lĩnh về thành phố Hà Giang, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch chất lượng, bền vững, cung cấp lâu dài cho thành phố.

17/12/2023