Khát vọng làm giàu của chàng trai người Mông

11:49, 17/12/2023

BHG - “Trong khi nhiều bạn bè tiếp tục theo học lên trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc đi lao động ở các công ty ngoài tỉnh thì em quyết định ở nhà để phát triển kinh tế. Em nghĩ, làm giàu không khó, chỉ cần chọn công việc phù hợp, không trái đạo đức, pháp luật và có sự quyết tâm, kiên trì thì chắc chắn công sức mình bỏ ra sẽ không uổng phí” – anh Thò Mí Già, dân tộc Mông, đoàn viên thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) chia sẻ.

Sán Sì Lủng là một vùng quê nghèo, điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt; xung quanh trùng điệp núi đá tai mèo. Hàng năm, cứ vào mùa khô, thôn thường xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… Điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt như vậy tưởng chừng khó có loài cây nào tồn tại được thì lại có một loài thực vật dễ dàng thích nghi với môi trường này, đó là cây Bạc hà. Loài cây này mọc tự nhiên từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm, thời điểm nở hoa từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Hoa Bạc hà cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất nuôi ong lấy mật để tạo ra sản phẩm mật ong Bạc hà. Đây là sản phẩm quý của núi rừng, có nguồn gốc tự nhiên, thơm ngon, bổ dưỡng, được thị trường ưa chuộng. Giá bán mật ong Bạc hà dao động từ 400 – 500 nghìn đồng/lít.

Nuôi ong lấy mật từ cây Bạc hà giúp gia đình anh Thò Mí Già (trái) nâng cao thu nhập.
Nuôi ong lấy mật từ cây Bạc hà giúp gia đình anh Thò Mí Già (trái) nâng cao thu nhập.

Nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật từ cây hoa Bạc hà có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2021, em Già vận động gia đình tập trung phát triển nghề này. Ban đầu, từ nuôi ong nhỏ lẻ, đến nay, Già đã phát triển lên được 135 đàn. Để phát triển đàn ong, Già chú trọng lựa chọn giống ong nội bản địa trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, các đàn ong phát triển mới đảm bảo tiêu chuẩn đông quân, khỏe mạnh, không bị bệnh. Địa điểm nuôi ong được đặt ở vùng có nhiều cây Bạc hà mọc tự nhiên, nơi có không gian rộng rãi, khô ráo, sạch sẽ, thuận lợi cho việc kiểm tra, chăm sóc và thu hoạch mật ong. Trong quá trình nuôi ong, Già tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm trên sách, báo, ti vi, mạng internet và những hộ nuôi ong trong vùng để áp dụng thực tế tại gia đình. Nhờ áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật, đàn ong phát triển tốt, tạo sản lượng mật ổn định. Năm 2022, em Già khai thác được hơn 300 lít mật ong, thu về trên 120 triệu đồng. Vụ ong năm nay, dự kiến sản lượng mật ong tăng lên gần 400 lít, đem lại nguồn thu trên 150 triệu đồng.

Xác định cây Bạc hà giữ vai trò tiên quyết trong sản xuất mật ong, thời gian qua, Già chú trọng bảo vệ, chăm sóc diện tích cây Bạc hà mọc tự nhiên trong phạm vi đất canh tác của gia đình. Anh Già cho biết: Quá trình chăm sóc, em bổ sung thêm phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, em cũng liên kết với một số hộ trong thôn bảo vệ, mở rộng diện tích cây Bạc hà để tăng nguồn thức ăn cho ong. Hiện nay, cơ bản diện tích cây Bạc hà đáp ứng được nhu cầu lấy mật của đàn ong; dự kiến thời gian tới em tiếp tục mở rộng diện tích cây Bạc hà và tăng số đàn ong để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Không dừng ở nghề nuôi ong, với quỹ đất sản xuất của gia đình, em Già đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện, gia đình em đang nuôi 3 con bò, 100 con gà thương phẩm, 1 con lợn sinh sản. Từ xuất bán lợn giống, bò, gà thương phẩm, mỗi năm em Già thu có thêm nguồn thu gần 100 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn, Vàng Mí Trạ cho biết: Hiện nay, mô hình nuôi ong và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm của đoàn viên Thò Mí Già là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn xã. Anh Già cũng là gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, có khát vọng vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thành công bước đầu từ mô hình chăn nuôi của em đã góp phần cổ vũ phong trào thi đua phát triển kinh tế và khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã.

Bài, ảnh:  TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đưa nước nguồn từ dãy Tây Côn Lĩnh về thành phố Hà Giang

BHG - Từ trước đến nay, nước sinh hoạt cung cấp cho người dân thành phố Hà Giang được khai thác, xử lý từ nước sông Miện. Đây là nguồn nước có nguồn gốc từ ngoài lãnh thổ Việt Nam và trên dọc tuyến thượng nguồn có nhiều nguồn xả thải ra sông làm cho chất lượng không đảm bảo, mất nhiều thời gian, chi phí xử lý. Dự án Hệ thống cấp nước suối Sửu đang được triển khai xây dựng sẽ đưa nước nguồn từ dãy núi Tây Côn Lĩnh về thành phố Hà Giang, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch chất lượng, bền vững, cung cấp lâu dài cho thành phố.

17/12/2023
Khai trương Cửa hàng Xăng dầu số 30

BHG - Sáng 16.12, tại xã Du Già (Yên Minh), Công ty Xăng dầu Hà Giang tổ chức khai trương Cửa hàng Xăng dầu số 30. Đến dự có lãnh đạo huyện Yên Minh; Công ty Xăng dầu Hà Giang và một số xã trên địa bàn huyện.

17/12/2023
Điểm tựa giúp phụ nữ phát triển kinh tế

BHG - Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Vị Xuyên luôn xác định tạo động lực giúp hội viên phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ có “điểm tựa” vững chắc, nhiều hội viên phụ nữ (HVPN) đã từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

16/12/2023
Bạch trà Shan tuyết Hà Giang góp mặt trong tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

BHG - Ngay sau buổi hội đàm rất thành công vào chiều tối 12.12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân mật mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà. Đây là một trong những nghi thức lễ tân rất đặc biệt thể hiện sự gần gũi, thân tình giữa các nhà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc.

13/12/2023