Đưa nước nguồn từ dãy Tây Côn Lĩnh về thành phố Hà Giang
BHG - Từ trước đến nay, nước sinh hoạt cung cấp cho người dân thành phố Hà Giang được khai thác, xử lý từ nước sông Miện. Đây là nguồn nước có nguồn gốc từ ngoài lãnh thổ Việt Nam và trên dọc tuyến thượng nguồn có nhiều nguồn xả thải ra sông làm cho chất lượng không đảm bảo, mất nhiều thời gian, chi phí xử lý. Dự án Hệ thống cấp nước suối Sửu đang được triển khai xây dựng sẽ đưa nước nguồn từ dãy núi Tây Côn Lĩnh về thành phố Hà Giang, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch chất lượng, bền vững, cung cấp lâu dài cho thành phố.
Dự án đầu tư Hệ thống cấp nước suối Sửu về hồ dự trữ điều tiết nước trung tâm xã Phong Quang để bảo vệ nguồn nước trồng, bảo vệ rừng, rừng đặc dụng, chống hạn hán, phát triển nông, lâm nghiệp, tận thu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường cho xã Phong Quang (Vị Xuyên) và thành phố Hà Giang (Dự án cấp nước suối Sửu) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017 - 2022) xây dựng các hạng mục gồm: Hệ thống dẫn nước (đập đầu mối và đường ống thép dẫn nước tự chảy), trạm bơm trung chuyển, hồ tiếp nhận tại xã Phong Quang và các công trình phụ trợ khác. Giai đoạn 2 (2023 - 2025) xây dựng các hạng mục: Hệ thống xử lý nước sạch, bể chứa và tuyến ống dẫn nước đấu nối vào mạng cấp nước hiện có của thành phố Hà Giang và hệ thống kênh mương cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho xã Phong Quang. Tổng mức đầu tư trên 323 tỷ đồng.
Hồ chứa nước 65.000 m3 tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) đã hoàn thành giai đoạn 1. |
Ông Nguyễn Song Tứ, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT – chủ đầu tư dự án cho biết: Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp và điều tiết cho hồ chứa quy mô 65.000 m3 tại xã Phong Quang nhằm điều hòa khí hậu và cấp nước sinh hoạt, nước phát triển nông nghiệp cho toàn bộ khu vực. Đồng thời cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người nội thị và 20.000 người ngoài đô thị cùng với nhu cầu nước công cộng, công nghiệp, dịch vụ... của khu vực thành phố Hà Giang và lân cận, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định dân sinh. Đây cũng là nguồn nước dự trữ cho các công tác trồng và bảo vệ rừng trong khu vực, trong đó có rừng đặc dụng, vùng lõi xã Phong Quang và xã giáp danh như Phương Độ, Phương Tiến (Vị Xuyên)…
Đến nay, cơ bản các hạng mục chính giai đoạn 1 của Dự án cấp nước suối Sửu đã hoàn thành như: Đập đầu mối; tuyến ống thép D400 dẫn nước từ đập về hồ điều tiết để cung cấp cho hồ điều hòa; trạm bơm chuyển tiếp công suất 10.000m3/ngày đêm; hồ tiếp nhận dung tích 65.000 m3; hệ thống điện phục vụ trạm bơm (gồm đường dây 22kV và trạm biến áp)...
Khoảng 400 m đường ống dẫn nước đã được lắp đặt. |
Giai đoạn 2 của dự án được khởi công từ tháng 10.2023. Hiện đơn vị thi công đang lắp đặt tuyến đường ống HPDE D450 cấp nước từ trạm xử lý về thành phố Hà Giang tổng chiều dài 9.720 m đảm bảo cung cấp 10.000 m3 nước/ngày đêm và tuyến đường ống HPDE DN200 lấy nước từ hồ tiếp nhận cấp về trung tâm xã Phong Quang dài trên 3.833 m. Hiện nay nhà thầu thi công đã mua và tập kết đủ số lượng đường ống dẫn nước và đang lắp đặt đường ống dẫn nước từ trạm xử lý về thành phố Hà Giang với khoảng 400 m đã lắp đặt xong. Các hạng mục như hệ thống xử lý nước sạch tiêu chuẩn; bể chứa áp lực; đường quản lý vận hành từ trạm bơm lên hồ tiếp nhận và và các hạng mục phụ trợ khác đang chờ hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng sẽ triển khai thi công. Dự kiến đến cuối năm 2025 giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công cam kết dự án sẽ triển khai đúng kế hoạch và tiến độ đề ra, phát huy hiệu quả dự án.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần cấp thoát nước Hà Giang Nguyễn Trung Dũng chia sẻ: Sau khi dự án cấp nước suối Sửu hoàn thành, nước được đưa về thành phố Hà Giang, nếu Công ty có thể khai thác nguồn nước này để cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố sẽ rất thuận tiện và đảm bảo. Bởi được biết hệ thống cấp nước suối Sửu đang được đầu tư theo phương thức tự chảy và nguồn nước là nước lấy từ đầu nguồn suối Sửu, dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh không bị tác động nhiều từ hoạt động xả thải của thương mại, công nghiệp và dân sinh nên việc xử lý nước và cấp nước đến người dân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Do đó chi phí sẽ giảm. Mặt khác đây là nguồn nước nội địa nên sẽ chủ động trong khai thác và đảm bảo bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, có thể trong tương lai biến đổi khí hậu sẽ làm giảm lưu lượng nước suối Sửu khiến khả năng cấp nước bị hạn chế. Hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra trong tương lai gần, để người dân được sử dụng nguồn nước sạch này trong thời gian dài.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc